Tôi biết đến Vinh năm 10 tuổi, chính xác là nghe đến hai tiếng “ga Vinh” trong một sự kiện “chấn động” của làng. Sự kiện ấy thế này, anh Giang 14 tuổi, con trai một người bác họ của tôi, đột ngột bỏ nhà ra đi. Sau đúng một tuần cả nhà sống dở chết dở, anh lù lù trở về. Gặng hỏi mãi, anh bảo đã nhảy tàu từ ga Tía định đi Nam, rồi lại quay về. Khi đến ga Vinh, anh được một bà bán quà vặt trên tàu tỉ tê, thế là anh theo về nhà bà. Bà ở một mình, đối tốt với anh lắm, muốn nhận anh làm con nuôi. Nhưng ở với bà được sáu ngày thì anh nhớ nhà quá, đêm không ngủ được, toàn khóc thầm. Buổi sáng ấy, khi bà cắp thúng quà vặt ra ga, anh để lại một mẩu giấy với mấy dòng nguệch ngoạc rồi bỏ đi. Trong chuyến tàu ngược Bắc, anh đã không gặp bà.

Người làng tôi lúc ấy nhiều người nói đến Vinh lắm. Người kể từng công tác hay đóng quân gần đấy, người thì bảo có họ hàng lấy chồng, lấy vợ trong ấy... Thi thoảng, câu chuyện của anh Giang với địa danh Vinh vẫn được người làng nhắc lại với đám trẻ trâu như một bài học về sự dại dột, liều lĩnh. Từ đó, Vinh nằm trong tiềm thức của tôi, nhưng là ở giữa một vùng sương mù, khi có một cơn cớ nào đấy lại động cựa như một chiếc lá xanh non, một đóa hoa nhỏ bé tỏa hương. Sau này, bước ra cuộc đời, tôi đã quen, rồi thân với nhiều người con của đất Vinh, xứ Nghệ. Trong danh bạ điện thoại của tôi, những cái tên được ghép với “Vinh” cứ mãi dài ra: Dũng Vinh, Thanh Vinh, Tài Vinh, Hoàng Vinh, Lý Vinh, Thái Vinh... có vài người bạn không phải là công dân Vinh, chỉ sống ở một vùng tiếp giáp với thành phố ấy, tôi cũng ghép với Vinh nốt. Tôi đồ rằng, Vinh sẽ còn được ghép vào những cái tên khác trong hành trình sống, giao cảm với đời của tôi. Những người bạn Vinh luôn cho tôi cảm giác tin cậy bởi sự mộc mạc, chân thành, thẳng thắn ở tính cách, có người có vẻ khắc kỷ với bản thân nhưng lại khá hào phóng, rộng rãi với bạn bè.

  Nét đẹp trầm mặc Thành cổ Vinh. Ảnh: NGUYỄN QUANG 

Trong suốt chuyến tàu từ ga Hà Nội vào đến Vinh, hình ảnh những người bạn Vinh lần lượt hiện lên trong tâm trí tôi như một thước phim quay chậm. Người ta thường nói, làm bạn với ai đó là cái duyên mà ta tu ở tiền kiếp, rất lâu mới có được, tôi cũng tin như thế. Tài Vinh là người chung phòng với tôi bốn năm đại học, biết bao kỷ niệm chúng tôi đã có nhau. Dũng Vinh, một người bạn tôi quen qua mạng gần chục năm, chúng tôi có cùng sở thích và có thể chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Hoàng Vinh là đồng nghiệp tôi gắn bó hơn chục năm sau khi tốt nghiệp đại học.

Tôi quen Thanh Vinh gần hai chục năm về trước, khi cậu lên đơn vị tôi thực tập. Quãng thời gian ngắn ngủi hơn ba tháng nhưng đủ để chúng tôi hiểu về nhau. Sau này, chúng tôi còn rất nhiều dịp hạnh ngộ nên lúc nào trong tôi, Thanh Vinh cũng là cậu em thân thiết, mến yêu. Vợ tôi còn nhắc mãi đến Thanh Vinh, ấy là cái lần cậu về dự đám cưới của tôi và là vị khách cuối cùng rời đám. Trước khi rời đi, cậu đã làm một việc khiến đôi vợ chồng trẻ phải cảm động: Thanh đã cùng chúng tôi rửa một lô bát đĩa còn sót lại trước khi người cho thuê đến mang đi. Thế nên, khi Thanh cưới vợ trong dịp dịch bệnh, tôi không vào được mà lòng áy náy mãi. Và chuyến đi này, ngoài công việc của cơ quan, tôi muốn đến thăm gia đình Thanh Vinh, mừng cho em đón một thiên thần bé nhỏ.

Thanh đón tôi ở ga Vinh. Xuống tàu là tôi nhận ra Thanh ngay bởi cái dáng cao gầy nhưng rắn rỏi. Thanh Vinh ôm chặt lấy tôi, hồ hởi nói cười như hai gã đồng hương gặp nhau giữa rừng Trường Sơn trong thời chiến. Biết tôi là người hoài cổ, trước khi đưa tôi về nhà, Thanh chở tôi qua cổng Thành cổ Vinh. Lần nào đi qua ngôi Thành cổ có tuổi đời hơn 200 năm, nay chỉ còn là phế tích với một ít đoạn hào và ba cổng thành, cũng cho tôi nhiều ngẫm ngợi. Trong ánh tà dương của mùa thu, cửa Tiền và cửa Tả càng thêm trầm mặc. Tôi muốn thâu lớp lớp màu thời gian trên những cổng thành, để nghe lòng dâng lên bao nhiêu luyến tiếc về một thuở vàng son, tráng lệ của những cung điện, những ngôi thành trên khắp dải đất hình chữ S của người Việt. Tôi nghe trong ngọn gió thu lời thì thầm: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Bà Huyện Thanh Quan). Chúng tôi hòa trong dòng người-xe xuôi ngược và dường như ai cũng đi chậm, thật chậm trước những rêu phong này.

Cha mẹ Thanh Vinh lần nào cũng dành cho tôi những cử chỉ ân cần, trìu mến. Chuyện với tôi, ông thường kể về những năm tháng gác bút nghiên ở ngôi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để lên đường vào Nam, rồi tình duyên của anh bộ đội giải phóng với o thanh niên xung phong. Và một cái kết có hậu tại TP Vinh quê nhà sau gần một thập kỷ bặt tin nhau. Thanh Vinh, bạn tôi, chính là một trong hai trái ngọt từ tình yêu chung thủy, vượt qua mọi giới hạn của ông bà. Mẹ Thanh là một trong những người phụ nữ dịu dàng nhất mà tôi từng gặp. Bữa ăn, bà vẫn giữ thói quen xé thịt gà, gỡ cá cho chồng, các con và cả khách của gia đình. Duyên, vợ Thanh Vinh, có nhiều nét giống mẹ chồng. Hình như nhiều người con trai khi tìm vợ thường lấy mẹ mình ra làm hình mẫu? Duyên đẹp, đằm thắm đúng chất gái Nghệ, nét mặt cô ngời lên hạnh phúc khi bế trên tay một thiên thần bé nhỏ sau bao ngày cả hai bên nội-ngoại cùng mong ngóng. Tôi nhìn ngắm rất lâu cu Bi, đôi mắt đen láy của cu cậu hớp lấy tôi, một đôi mắt biết nói, ấm áp. Nhìn cháu, tôi cứ nghĩ xa xôi, có thể hai, ba mươi năm nữa, chính Bi sẽ là người chở tôi lòng vòng thành Vinh hay theo đò dọc khám phá Lam giang.

Hôm sau, tôi còn có cuộc gặp với Tài Vinh, Dũng Vinh, Thái Vinh, những cuộc gặp chớp nhoáng thôi, nhưng những gì bạn bè Vinh dành tặng sẽ làm đầy thêm những kỷ niệm, ký ức đẹp đẽ trong tôi. Tôi và Tài Vinh có khoảng hai giờ đồng hồ để thăm Phượng Hoàng Trung Đô. Hoàng đế Quang Trung, một nhân vật lịch sử đặc biệt, hẳn có nhiều lý do để chọn nơi này làm đế đô. Chỉ tiếc rằng Người ra đi quá sớm, thế nên Phượng Hoàng đã không còn cơ hội để cất cánh. Tài Vinh kể, cụ cách nay mười đời nhà anh từng là một trong số hàng ngàn người tham gia xây dựng kinh đô này. Ngày bé, Tài thường cùng bạn bè chơi đùa trên núi Quyết, lần theo dấu tích tường, hào để tìm những mảnh gốm sứ. Hôm ấy, tôi cũng nhặt được một mảnh gốm, men gốm màu lam đặc trưng của người Việt. Mảnh gốm bé nhỏ nhưng chứa đựng trong nó không ít câu chuyện, những bí mật. Đứng trên núi Quyết nhìn dòng Lam miên mải chảy, tôi cứ tự hỏi rằng, nếu Hoàng đế Quang Trung không đột ngột băng hà vào một ngày trời nghiêng đất lệch ấy thì Phượng Hoàng Trung Đô sẽ như thế nào, thành Vinh sẽ như thế nào và nước Việt của chúng ta giờ ra sao? Câu hỏi ấy có lẽ đã rất nhiều người tự hỏi khi đặt chân tới nơi này.

Mới đây, tôi có viết một bài chân dung văn học cho Báo Nghệ An. Ưu tiên của Báo là nhân vật người Nghệ An hoặc gốc Nghệ An. Thế là tôi nhớ đến Ngô Thanh Vân, cô bạn nhà thơ, một cái tên sáng ở khu vực Tây Nguyên. Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, nhưng cả quê cha và quê mẹ cùng ở Nghệ An, vì lẽ đó, Vân luôn đau đáu nỗi niềm hướng về nguồn cội. Cô chia sẻ, dù ông bà nội-ngoại không còn nhưng bà con họ hàng, chòm xóm vẫn ở đó, khuôn sân, mảnh vườn, cây ổi, cây cau, dòng sông, ao chuôm... gắn với bao thế hệ trong họ tộc vẫn còn đó, như một niềm an ủi phần nào trong tâm hồn đứa con lạc xứ. Hướng về nơi ấy cũng là một cách âm thầm thương nhớ, tri ân với quê hương bản quán. Trước đó, Vân thường chia sẻ với tôi những bài thơ về cố thổ. Phần lớn những bài thơ ấy luôn cho tôi nhiều cảm xúc đẹp, mênh mang, luyến nhớ. Đêm nay, giữa lòng Vinh, tôi chợt nhớ những câu thơ của Vân, như Vân từng nhớ Vinh: “Đêm thành Vinh lồng lộng bốn bề/ Dòng Lam xanh nghiêng mình lặng lẽ/ Như ôm trọn ân tình dâu bể/ Mỗi phút giờ khắc khoải gọi tên” ("Đêm thành Vinh").

Tôi cũng muốn ôm mảnh đất này để giữ thật lâu trong lòng, như muốn ôm bè bạn, ôm chứa tất cả những gì đẹp đẽ, mến thương mà Vinh đã cho tôi. Ngày mai tôi ngược Bắc và Vinh hẳn là sẽ đầy mãi lên trong nỗi nhớ của tôi.

Tùy bút của QUANG MINH