Lê Khánh sinh năm 1981 tại Bến Tre, theo học Khoa Diễn viên kịch, điện ảnh, truyền hình, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Năm 2002, Lê Khánh tham gia bộ phim truyền hình đầu tiên “Long xích lô”, sau đó đầu quân cho Sân khấu kịch Phú Nhuận, rồi chuyển sang Sân khấu kịch IDECAF.

Lê Khánh được khán giả yêu mến qua các vở kịch: “Một cuộc đời bị đánh cắp”, “Sát thủ hai mảnh”, “Vùng đất cấm”, “Thuốc đắng dã tật”... Ngoài diễn hài và kịch, cô còn tạo dấu ấn với những bộ phim điện ảnh và truyền hình như: “Hướng nghiệp”, “Mùi ngò gai”, “Cuộc chiến hoa hồng”, “Cô dâu đại chiến”...

Diễn viên Lê Khánh (bên phải) trong vở "Giáng Hương". Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhiều năm trên sân khấu IDECAF, khán giả đã rất yêu thích Lê Khánh qua các vai diễn hài, nhất là trong chuỗi các vở “Ngày xửa ngày xưa”. Vì thế, khi Lê Khánh đảm nhận vai nữ chính Giáng Hương trong vở chính kịch “Giáng Hương” đã khiến khán giả không khỏi bất ngờ. Nữ diễn viên chia sẻ, Giáng Hương là vai diễn khó nhất, nặng ký nhất của cô từ trước đến nay. Một đời diễn viên không phải ai cũng có cơ hội thể hiện dạng vai như thế này. Ba giờ đồng hồ trong "Giáng Hương", Lê Khánh hóa thân là một cô đào tự tin, một người mẹ thương con, một chủ gánh hát mạnh mẽ.

Giáng Hương (Lê Khánh) là cô đào hát sắc sảo, giỏi nghề; Lĩnh Nam (NSƯT Thành Lộc) là nhà biên kịch, đạo diễn sân khấu tài ba. 20 năm đồng hành, họ gây dựng gánh hát gặt hái thành công, tạo nên nhiều tác phẩm được công chúng yêu thích. Trong đời sống, họ là cặp vợ chồng được ngưỡng mộ cả tài năng và hạnh phúc. Song, thời thế thay đổi, khi khán giả bắt đầu chuộng những câu chuyện mới lạ hơn, Giáng Hương và Lĩnh Nam buộc phải lựa chọn hướng đi tiếp theo cho gánh hát.

Lĩnh Nam mong muốn dựng một vở kịch thời thượng để chiều lòng thị trường. Giáng Hương lại khao khát gìn giữ giá trị truyền thống, quyết dựng vở kịch lịch sử về Huyền Trân công chúa để phục vụ một bộ phận khán giả đam mê nghệ thuật sân khấu thuần túy.

Dùng tên nhân vật Giáng Hương đặt cho vở diễn, tác phẩm xoay quanh nỗi lòng của cô đào chính khi chứng kiến sự đổi dời của cuộc sống, cũng như khi đối diện với sự rạn vỡ trong gia đình. Quan điểm làm nghề khác biệt của Giáng Hương và Lĩnh Nam đã mở ra những câu chuyện đắt giá về thời cuộc, đồng thời khắc họa tâm tình của những phận tằm nhả tơ sau ánh hào quang...

“Giáng Hương” được dựng theo kịch bản gốc của vở “Trong bóng tối hậu trường” của soạn giả Nguyễn Thành Châu (NSND Năm Châu). Tác phẩm còn quen thuộc với khán giả qua hình hài vở cải lương “Sân khấu về khuya” được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng hơn 60 năm qua. Tới nay, chuyện trong tác phẩm vẫn hợp thời, đặt ra câu hỏi muôn thuở cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Nên phát triển nghệ thuật tử tế hay hòa theo dòng chảy thị trường.

Ra mắt khán giả tháng 9-2023, đến nay, “Giáng Hương” đã có hơn 50 suất diễn và liên tục diễn phục vụ khán giả trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. “Giáng Hương” cũng đoạt những giải thưởng cao: Huy chương vàng cho vở diễn suất sắc tại Liên hoan sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh 2024; 2 huy chương vàng cá nhân cho NSƯT Thành Lộc và diễn viên Lê Khánh. Niềm vui nhân lên khi Lê Khánh nhận giải Mai Vàng lần thứ 29, năm 2023, hạng mục Nữ diễn viên sân khấu được yêu thích nhất, khi hóa thân cô đào Giáng Hương.

“Khi liên tục nhận những giải thưởng lớn và được khán giả ủng hộ, tôi rất cảm ơn NSƯT Thành Lộc đã tin tưởng mời tôi đầu quân về Sân khấu kịch Thiên Đăng và giao cho tôi diễn chính vở “Giáng Hương”. Nhờ vậy, tôi đã có được những phút giây thăng hoa với Giáng Hương. Tôi thích sự đúc kết về vở diễn của NSƯT Thành Lộc khi anh giúp tôi hiểu con người ai cũng có ước mơ. Thiên Đăng đang nỗ lực xây dựng một sân khấu nghệ thuật tử tế. Những nghệ sĩ chúng tôi đã gắn kết và trong sự cống hiến của bản thân hôm nay luôn chấp nhận tất cả để có được một nền nghệ thuật tử tế mai sau”, Lê Khánh chia sẻ.

ĐÌNH CHUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.