Triển vọng việc làm lớn cho thị trường điện ảnh Việt  

Ở Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển điện ảnh nội địa ngày càng mạnh mẽ. Theo thống kê từ Box Office Vietnam, năm 2024, Việt Nam đạt kỷ lục doanh thu phòng vé với 4.700 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2025, doanh thu phim Việt chạm mốc gần 1.100 tỷ đồng. Trang Statista dự báo, doanh thu phòng vé Việt Nam trong năm 2025 sẽ đạt khoảng 45 triệu USD, nhờ sự phục hồi ổn định sau đại dịch, nội dung phim chất lượng và trải nghiệm rạp chiếu được nâng cấp.

Tuy nhiên, những thành quả này mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu khi Việt Nam đặt mục tiêu phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế. Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu cho ngành công nghiệp điện ảnh là doanh thu toàn ngành đạt 250 triệu USD (khoảng 6.350 tỷ đồng), trong đó, phim Việt Nam đóng góp khoảng 125 triệu USD (khoảng 3.170 tỷ đồng) vào năm 2030.

 Tiến sĩ Paul D.J.Moody, Trưởng bộ môn Truyền thông và Sáng tạo, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam hướng dẫn sinh viên thực hành trong studio sản xuất phim và truyền thông tại khuôn viên học tập mới của trường.

Để phát triển đáp ứng kỳ vọng, Việt Nam phải có đội ngũ nhân lực chuẩn bị cho những bước phát triển mới. Dễ dàng thấy rằng, nhu cầu nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa đang tăng trưởng mạnh, những người có kỹ năng tốt đều có thể tìm được việc làm trong nhiều lĩnh vực sản xuất hình ảnh động và âm thanh như phim điện ảnh, truyền hình, quảng cáo, các sự kiện trực tiếp... Tiến sĩ Paul D.J.Moody, Trưởng bộ môn Truyền thông và Sáng tạo, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) nhận định: “Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường trẻ, năng động, đầy tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất phim và truyền thông”.

Nhu cầu của người học tăng

Trước nhu cầu phát triển của đất nước, xu hướng của thị trường cũng dần thay đổi. Vài năm trước, trong chuyến công tác tại Hàn Quốc, chúng tôi có dịp trò chuyện với Thiều Nguyễn Khánh Linh, sinh viên Khoa Văn hóa và Nội dung, Đại học Ajou (Suwon). Linh chia sẻ rằng do chi phí du học đắt đỏ nên Linh phải làm thêm ngoài giờ học để hỗ trợ gia đình trang trải học phí. Dù vất vả, đổi lại, Linh tích lũy được nhiều kỹ năng sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất video và hình ảnh, những kỹ năng mà nhiều trường đại học trong nước vẫn chưa đáp ứng đầy đủ. Trước ngưỡng cửa chọn trường đại học, Nguyễn Hà Phương, học sinh Lớp 12D4, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ: "Em không muốn chỉ dừng lại ở việc biết quay, biết dựng mà còn muốn hiểu cách vận hành của cả một dự án phim, từ khâu lên ý tưởng đến quản lý sản xuất”.

Tuy nhiên, thực tế nhiều khâu trong ngành điện ảnh Việt Nam còn tồn tại những hạn chế. Tại các hội thảo chuyên môn, giới làm nghề chỉ ra rằng, một trong những rào cản lớn khiến điện ảnh Việt chưa vươn tầm quốc tế chính là thiếu nguồn nhân lực tài năng, sáng tạo và khả năng liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận trong ngành. Bên cạnh đó, năng lực quảng bá phim ra thị trường toàn cầu còn yếu... Trong khi đó, hệ thống đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật và quy trình sản xuất phim tại Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống. Hiện nay, chỉ một số ít cơ sở như Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cùng vài khoa nghệ thuật ở các trường đại học khác cung cấp chương trình đào tạo liên quan. Dù vậy, đội ngũ giảng viên phần lớn tập trung vào lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, số lượng giảng viên quốc tế còn rất hạn chế. Những bạn trẻ đam mê làm phim thường phải tìm đến các khóa học ngắn hạn, vốn chỉ cung cấp kỹ năng cơ bản, thiếu tính hệ thống và chưa đáp ứng được yêu cầu về tư duy sáng tạo, quản trị dự án hay năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Cập nhật chương trình để phù hợp xu hướng

Bối cảnh buộc các trường đại học tại Việt Nam phải thay đổi. Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo vào cuối tháng 2-2025 nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong bối cảnh chuyển đổi số. Các chuyên đề thảo luận tập trung vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ và tăng cường thực hành. Mặc dù không có thông báo cụ thể về ngành mới nhưng trường đã đề xuất tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và mở rộng cơ hội thực tập cho sinh viên. Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội đã và đang cập nhật chương trình đào tạo để phù hợp với xu hướng phát triển của ngành.

Đặc biệt, từ năm 2025, BUV dự kiến đào tạo Chương trình "Sản xuất phim và truyền thông" cấp bằng bởi Đại học Nghệ thuật Bournemouth (AUB), cái nôi của những tài năng từng đoạt các giải thưởng danh giá như Oscar, BAFTA và Turner Prize. Chương trình này nhằm cung cấp kiến thức chuyên sâu về sản xuất phim, truyền thông và các kỹ năng liên quan, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp sáng tạo. Điểm nổi bật của chương trình là cách tiếp cận toàn diện: Sinh viên không chỉ được rèn luyện kỹ thuật sản xuất phim bài bản, thành thạo tiếng Anh để làm việc trong môi trường quốc tế mà còn được trang bị tư duy chiến lược, kỹ năng lãnh đạo và quản lý dự án, những yếu tố then chốt để thành công trong ngành công nghiệp cạnh tranh khốc liệt. Đăng ký nhập học BUV, Nguyễn Trần Công Thành, học sinh Lớp 12A4, Trường THPT Xuân Mai (Hà Nội) cho biết: "Em chọn học ngành sản xuất phim và truyền thông ở BUV vì em muốn hiểu cách lên chiến lược, quản lý dự án và dẫn dắt một ê kíp chuyên nghiệp. Em cũng tin rằng một tấm bằng đại học có giá trị sẽ giúp em tự tin hơn khi bước ra thế giới".

Bài và ảnh: LAM KIỀU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.