Tôi được sinh ra trong một gia đình thuần nông ở một miền quê nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước. Lúc bấy giờ là những năm đầu thập niên 90, cứ mỗi dịp các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tôi lại thơ thẩn vào ra, tay nâng niu, trân trọng tấm áo trấn thủ màu cỏ úa đã bạc màu vì thời gian.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN 

Ông nghẹn ngào: “Tháng 5 đối với ông là một tháng đặc biệt bởi tháng 5 đã khơi gợi trong ký ức của ông bao nỗi niềm xưa cũ. Đây là chiếc áo trấn thủ Điện Biên giản dị, đơn sơ đã gắn bó với cụ nội của con những ngày tháng “mưa dầm, cơm vắt” 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm và những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng rất oanh liệt, hào hùng. Sau ngày cụ nội theo đồng đội về thế giới bên kia, ông giữ lại chiếc áo này và coi nó như một báu vật”.

Tự hào về những năm tháng oai hùng của cha ông, từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã yêu tấm áo Điện Biên. Tôi nhớ trong một tiết học môn Tự nhiên và Xã hội, thầy giáo có kể cho cả lớp nghe những câu chuyện xúc động về chiếc áo trấn thủ và những tấm gương anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khi tuổi đời còn xuân xanh. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ đến những câu hát: “Vẫn còn nguyên trong ba lô chiếc áo trấn thủ/Vẫn còn nguyên trong trang thơ, nhành hoa ban ép vội/Cho tôi mơ, cho tôi sống những ngày Điện Biên năm xưa/Cho tôi yêu, cho tôi hát những lời Điện Biên hôm nay...” rồi chợt hiểu ra rằng: Chiếc áo trấn thủ là kỷ vật thiêng liêng trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, biểu tượng sức mạnh của tình quân dân, biểu tượng của tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng và khát vọng hòa bình.

Tôi thuộc làu bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu, trong đó có đoạn: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng, chí không mòn/Những đồng chí thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...”. Nhờ áng thơ đó, tôi đã biết đến một số tấm gương anh hùng tiêu biểu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, như: Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, cắm cờ lên cứ điểm Him Lam...

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tuổi mười tám đôi mươi, tôi xung phong lên đường nhập ngũ. Vinh dự và tự hào được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh áo lính, tôi càng trân quý màu áo trấn thủ Điện Biên năm xưa, nguyện tiếp bước cha anh, ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

VĂN HẠNH

 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.