Bài học từ “Bài ca giữ nước”

Từ năm 1951, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, chủ trương phục hồi vốn cổ văn hóa, văn nghệ dân tộc đã mang lại nguồn sức mạnh mới cho giới văn nghệ sĩ, nhờ đó, sân khấu nghệ thuật truyền thống, trong đó có chèo như được hồi sinh, hòa vào cuộc sống mới của nhân dân.

Hơn nửa thế kỷ qua, nghệ thuật sân khấu truyền thống ngày càng chứng tỏ có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước, ngày càng khẳng định rằng sân khấu cổ truyền hoàn toàn có khả năng phản ánh những vấn đề của thời đại mới, con người mới.

Cảnh trong vở “Đất liền và biển cả” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đoạt giải xuất sắc tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022. Ảnh: CHÂU XUYÊN 

So với nghệ thuật tuồng (thuộc dòng sân khấu kịch hát truyền thống của Việt Nam, có những đặc trưng nghệ thuật độc đáo với những niêm luật rất chặt chẽ), nghệ thuật chèo dễ dàng hơn khi đi vào đề tài hiện đại. Mỗi giai đoạn lịch sử lại có một số vở chèo được đánh giá phản ánh chân thực cuộc sống mới, con người mới.

Có thể kể tên một số vở tiêu biểu: “Con trâu hai nhà” (Trần Bảng); “Vẹn cả đôi đường” (Xuân Bình); “Đường về trận địa” (Tào Mạt-Hoài Giao); “Ni cô Đàm Vân” (Học Phi-Trần Đình Ngôn); “Cô gái làng chèo” (Hồng Dương-Thanh Long); “Cô gái sông Lam” (Nguyễn Trung Phong); “Những vần thơ thép” (Trần Đình Ngôn)...

Những vở chèo đề tài hiện đại đã được người trong nghề khen ngợi và công chúng hưởng ứng, là những vở đã biết tiếp thu, kế thừa và ứng dụng nhuần nhuyễn các đặc trưng nghệ thuật của chèo truyền thống, trở thành những vở chèo phản ánh sinh động, chân thực cuộc sống mới, con người mới qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của nhân dân ta và công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Với những thành công đó, người làm chèo Việt Nam đã khẳng định: Không cần phải băn khoăn chuyện sân khấu truyền thống, đặc biệt là chèo, có thể đi vào đề tài hiện đại hay không. Vấn đề hóc búa nhất mà những người làm sân khấu chèo cần phải giải quyết thỏa đáng là: Làm thế nào để nghệ thuật chèo chiếm lĩnh được tâm tư tình cảm của khán giả hôm nay, mang được hơi thở của thời đại mới mà vẫn giữ được những nét hay, nét đẹp của chèo truyền thống, những điều mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng cho chèo? Câu hỏi không mới nhưng đi tìm câu trả lời lại là vấn đề thường trực đặt ra cho người làm chèo.

Trong số những tác giả, tác phẩm thành công của sân khấu chèo hiện đại không thể không nhắc tới cố tác giả, đạo diễn chèo Tào Mạt và bộ ba chèo “Bài ca giữa nước” (“Lý Thánh Tông tuyển hiền”, “Ỷ Lan nhiếp chính”, “Lý Nhân Tông kế nghiệp”) do ông sáng tác và dàn dựng cho Nhà hát Chèo Quân đội, công diễn từ năm 1979 đến 1985. “Bài ca giữ nước” đã gây tiếng vang lớn, được giới chuyên môn sân khấu đánh giá cao, đông đảo công chúng đón nhận và khen ngợi.

Thành công của tác giả, đạo diễn Tào Mạt và tập thể nghệ sĩ sáng tạo trong bộ ba chèo “Bài ca giữ nước” mang lại bài học quý giá cho những người làm chèo hiện đại. Bài học đó là: Công việc sáng tác, dàn dựng và biểu diễn các vở chèo hiện đại chỉ thực sự thành công khi tác giả, đạo diễn và các nghệ sĩ am hiểu, nắm vững những nguyên tắc của nghệ thuật chèo truyền thống, biết vận dụng một cách sáng tạo vào tác phẩm hiện đại. Tào Mạt đã thành công bởi ông biết chọn lọc và phát huy những giá trị tinh hoa của chèo cổ, biết cách làm cho vẻ đẹp vốn có của chèo cổ vừa lung linh, đẹp đẽ, vừa gần gũi hơn với cuộc sống hôm nay.

Từ những bài học được rút ra, từ những thành công và thất bại trên con đường cải tiến nghệ thuật chèo, chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm: Muốn làm chèo hiện đại và chèo đề tài hiện đại thì phải nắm rất vững chèo truyền thống, cần biết tiếp thu, kế thừa những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống. Quan trọng hàng đầu là khâu sáng tác kịch bản, từ đó chi phối khâu dàn dựng, thiết kế mỹ thuật sân khấu và nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Trong đó có một số nguyên tắc được xem là bất di bất dịch, như: Kết cấu tự sự trữ tình, phương pháp nghệ thuật tả ý. Những nguyên tắc này giữ cho chèo mới đúng thật là chèo.

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo hôm nay

Nếu nhìn nghệ thuật sân khấu chèo trong mối tương quan với các thể loại khác cùng nằm trong nhóm sân khấu kịch hát dân tộc là tuồng và cải lương thì có thể thấy chèo có sự khác biệt về phạm vi lan tỏa. Từ nhiều thế kỷ trước, nghệ thuật tuồng có mặt ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Giữa các dòng tuồng Bắc, tuồng Quảng Nam, tuồng Huế, tuồng Bình Định, tuồng Nam có những nét tương đồng và dị biệt, chủ yếu là trong nghệ thuật biểu diễn hát, múa, trong hóa trang nhân vật...

Sân khấu cải lương hình thành sau tuồng và chèo, ra đời ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chẳng bao lâu sau đã tràn ra miền Bắc và miền Trung, nhanh chóng được lòng đông đảo khán giả, hiện diện và dễ dàng “cắm rễ”, “đơm hoa kết trái” trên đất Bắc, tạo nên bản sắc riêng của cải lương Bắc. Riêng nghệ thuật chèo, hình thành vào khoảng thế kỷ 14, được nuôi dưỡng trong cái nôi là vùng châu thổ Bắc Bộ và vùng trung châu miền Bắc, nhưng về ranh giới địa lý thì chèo chỉ vươn xa không quá xứ Nghệ Tĩnh.

Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, nhiều đoàn nghệ thuật và các nhà hát của miền Bắc nối tiếp nhau Nam tiến, biểu diễn liên tục nhiều tháng trời. Người dân miền Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng tỏ ra rất thích xem kịch nói của các nhà hát kịch miền Bắc. Sau này, kịch nói cũng là bộ môn nghệ thuật sân khấu nở rộ nhất ở TP Hồ Chí Minh, với sự ra đời nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa, thậm chí có lúc kịch nói lấn lướt cải lương (vốn là món ăn tinh thần yêu thích của người dân Nam Bộ).

Nhưng với nghệ thuật chèo lại khác. Dẫu năm 1975 có một số đoàn chèo vào Nam biểu diễn và cũng được đón chào nồng nhiệt, nhưng khán giả chủ yếu là người Bắc sinh sống, làm việc ở miền Nam. Nhiều người cho rằng, đối với người dân Nam Bộ thì cải lương vẫn “hợp gu” hơn là chèo.

Phân tích những hiện tượng thực tế này, chúng tôi muốn nhấn mạnh: Khi Nhà nước xây dựng chính sách bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo thì cần xác định đúng những địa phương nào, chủ thể sáng tạo là ai để giao nhiệm vụ cho đúng nơi và đúng đối tượng thực hiện.

Hơn 10 năm trước, chúng tôi đã triển khai một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa phi vật thể, đi khảo sát nhiều địa phương ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam-những nơi đã sản sinh ra và nuôi dưỡng các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian như tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch... Qua đó, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, không có cách nào tốt hơn là bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân gian ngay tại nơi nó đã sinh ra. Điều này nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng thực tế nhiều năm qua chưa được các cấp chính quyền và ngành văn hóa quan tâm đúng mực.

Hàng chục năm qua, hàng nghìn câu lạc bộ tuồng, chèo, dân ca được thành lập và hoạt động bền bỉ trong các thôn, xóm, phường, xã là nhờ các nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian tại các địa phương, đó là những người dân lao động với lòng yêu nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại mà cùng nhau giữ gìn vốn cổ, truyền dạy cho thế hệ tiếp nối. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, tuồng, chèo, cải lương và nhiều hình thức diễn xướng dân gian nữa sẽ không bao giờ bị mất đi, chúng vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân quê mỗi khi Tết đến xuân về, vào những dịp hội làng hay hiếu, hỷ của các gia đình.

Tuy nhiên, để cho việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật cổ truyền dân tộc trong xã hội hiện đại được tốt hơn, cần lắm sự khích lệ tinh thần và hỗ trợ vật chất từ các cấp chính quyền và cơ quan ngành văn hóa. Cần có chính sách cụ thể để khuyến khích và giúp đỡ đối với các nghệ nhân dân gian-những “báu vật sống” của đất nước (một số địa phương đang làm rất tốt), để họ có thể phổ biến và truyền dạy cho con cháu những giá trị quý báu của nghệ thuật dân tộc.

Trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay, giới trẻ có xu hướng lựa chọn những nghề dễ kiếm tiền, dễ kiếm việc. Vì vậy, Nhà nước đã quan tâm thì cần có nhiều hơn nữa các chính sách ưu tiên đặc biệt, khuyến khích lớp trẻ theo học ngành sân khấu truyền thống và có chế độ đãi ngộ tốt khi họ ra làm nghề, thì may ra mới giữ chân được người học và dần bổ sung đội ngũ kế cận cho sân khấu chèo.

GS, TS LÊ THỊ HOÀI PHƯƠNG (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.