Yêu chèo bằng cả trái tim

Trời nhá nhem, tiếng trống thúc giục người dân tìm về chiếng chèo làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Trên sân khấu, ánh đèn tỏa rạng nét phóng khoáng của các nghệ nhân chân đất. Ban ngày họ là những người nông dân lao động cần cù, tối đến lại cất cao tiếng hát, điệu múa chèo. 

Vừa chạm tuổi bát thập nhưng tiếng hát chèo của nghệ nhân Mai Đức Hồng vẫn trong trẻo, da diết. Đôi tay ông mềm mại múa theo làn điệu chèo khiến trích đoạn “Từ Thức du tiên” say đắm lòng người. Gương mặt hồ hởi, tinh thần phấn chấn, nghệ nhân Mai Đức Hồng bày tỏ: “Năm 16 tuổi, tôi bắt đầu hát chèo. Từ đó đến nay, tình yêu chèo như chảy trong huyết quản của tôi. Dù cuộc sống gia đình không mấy dư dả nhưng chỉ cần được nghe và hát chèo mỗi ngày là tôi hạnh phúc rồi”.

Các nghệ nhân chèo làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) biểu diễn phục vụ nhân dân. 

Nghệ nhân Mai Đức Hồng là một trong số 150 nghệ nhân, diễn viên đang tham gia tập luyện và biểu diễn chèo thường xuyên của làng Khuốc. Là chiếng chèo nổi tiếng bậc nhất Thái Bình, làng Khuốc hiện có 8 câu lạc bộ (CLB) chèo, trong đó có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 3 Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT).

Ông Quách Văn Trìu, Phó chủ tịch UBND xã Phong Châu cho chúng tôi biết: “Không ai biết chèo làng Khuốc có từ bao giờ. Chỉ biết rằng cứ mỗi vụ nông nhàn hoặc vui xuân, đón Tết cổ truyền, người dân trong làng lại được thưởng thức tiếng trống chèo, những giọng hát ngọt ngào của các nghệ nhân dân gian. Hiện các nghệ nhân chèo làng Khuốc vẫn giữ được 12 bài chèo cổ; tích cực truyền dạy những điệu múa, hát chèo cho thế hệ trẻ”.

Cách chiếng chèo làng Khuốc gần 90km, những người yêu chèo thuộc xã Khánh Cường (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đang ra sức bảo vệ và lan tỏa giá trị nghệ thuật chèo. Ở đó, CLB chèo xã Khánh Cường với 20 hội viên tích cực hoạt động bằng kinh phí tự đóng góp và xã hội hóa, tham gia truyền dạy, biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn của xã và huyện. Là NNƯT chèo duy nhất tại xã Khánh Cường, những năm gần đây, NNƯT Phạm Ngọc Giới đã tham gia sáng tác, dàn dựng và sử dụng thành thục một số nhạc cụ dân tộc.

Từ năm 2003 đến nay, ông tham gia truyền dạy múa, hát chèo tại nhiều CLB chèo trong huyện Yên Khánh với hàng trăm người tham gia. NNƯT Phạm Ngọc Giới bày tỏ: “Chèo có lúc thăng lúc trầm nhưng luôn là món ăn tinh thần được nhiều người dân quê tôi háo hức chờ đợi. Mặc dù diễn viên, nhạc công chèo của CLB đều nghiệp dư nhưng chúng tôi luôn say nghề vì tình yêu với chèo và động lực được thôi thúc từ tình cảm nhân dân gửi gắm”.

Đưa nghệ thuật chèo ra thế giới

Trải qua hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật chèo không ngừng biến đổi để phù hợp với dòng chảy của đất nước. TS Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) phân tích: “Trong tiến trình lịch sử, nghệ thuật chèo cổ trải qua 5 lần biến đổi, gồm: Từ chèo cổ sang chèo văn minh, chèo cải lương, chèo cách mạng, chèo cách tân, chèo đổi mới. Nghệ thuật chèo đã thể hiện sức sống mãnh liệt với tư cách là một thể loại nghệ thuật trình diễn dân gian. Từng có lúc chèo bị cho ra khỏi cung đình, bị bó hẹp phạm vi hoạt động, nghệ sĩ từng bị coi là “xướng ca vô loài”, nhưng nghệ thuật chèo vẫn sống trong lòng nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng và không ngừng sáng tạo, bảo vệ và phát huy giá trị trong đời sống tinh thần của nhân dân".

Trích đoạn chèo “Tuyết dạt sông Thương”.

Sức sống và sự sáng tạo của nghệ thuật chèo đã được chứng minh qua nhiều thế hệ, nhưng việc bảo vệ và phát huy di sản này trong đời sống đương đại đang đặt ra nhiều thách thức, như: Sự tồn tại của chèo qua các giai đoạn lịch sử cũng như hiện nay đang ngày càng tách xa khỏi môi trường diễn xướng dân gian của chính nó cũng như đời sống văn hóa cộng đồng; các dạng biến đổi của chèo đều có xu hướng ảnh hưởng của văn hóa phương Tây; những cách tân, đổi mới trong chèo dẫn đến sự ra đời của nhiều vở diễn “không phải chèo”, từ ngôn ngữ đến cách thể hiện nhân vật đều khá sượng. 

Là người có nhiều năm nghiên cứu về chèo, nhà báo, soạn giả Mai Văn Lạng (Đài Tiếng nói Việt Nam) trăn trở: “Chèo là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, có hát, múa, diễn. Cái hay của nghệ thuật chèo là khả năng ứng diễn của nghệ sĩ trước sự vật, hiện tượng. Việc biểu diễn và truyền dạy nghệ thuật chèo hiện nay thường theo "văn mẫu". Nhưng để học được "văn mẫu" đã rất gian nan. Rất khó để tìm ra một nghệ nhân chèo hiện nay có khả năng ứng diễn, đây là điều đáng bàn".

Để bảo vệ và phát huy nghệ thuật chèo trong bối cảnh hội nhập văn hóa, PGS, TS Đinh Quang Trung, Viện trưởng Viện Sân khấu-Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đề xuất các giải pháp: “Cần đẩy mạnh phát triển mô hình CLB chèo, biến nghệ thuật chèo thành hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến trong cộng đồng. Đưa nghệ thuật chèo vào trường học qua hoạt động ngoại khóa đối với học sinh trung học cơ sở khu vực phía Bắc, hằng năm tổ chức cuộc thi tiếng hát chèo cho học sinh. Gắn kết biểu diễn chèo dân gian, truyền thống với hoạt động du lịch tại các địa phương. Hỗ trợ kinh phí để phục dựng các trích đoạn, tích chèo cổ, mở các lớp ngắn hạn để đào tạo diễn viên, nhạc công, tác giả, đạo diễn cho các CLB chèo không chuyên; tổ chức sưu tầm, lưu trữ làn điệu chèo cổ. Nên có chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp tham gia vào những hoạt động bảo vệ nghệ thuật chèo...”.

Bên cạnh các hoạt động bảo vệ và lan tỏa nghệ thuật chèo, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình phối hợp với Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội và các sở, ngành thuộc 14 tỉnh, thành phố Bắc Bộ xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật chèo" đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đánh giá tính khả thi của hồ sơ, PGS, TS Filip Kraus, Đại học Palacky (Cộng hòa Séc) nhận định: “Chèo có truyền thống lâu đời, được lưu truyền qua các thế hệ. Theo tôi, chèo cùng với rối nước là gương mặt, tâm hồn của văn hóa Việt Nam. Hát chèo thể hiện sự phóng khoáng, tươi mới, nội dung phản ánh đời sống hằng ngày trong xã hội Việt Nam. Với những giá trị to lớn đó, tôi tin chèo sẽ sớm được UNESCO ghi danh”.

“Đến nay, các bước quy trình lập hồ sơ “Nghệ thuật chèo” nhằm đệ trình UNESCO ghi danh đang được tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra”, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.