Trên sân khấu Cuộc thi tài năng nghệ thuật tuồng, chèo và dân ca kịch toàn quốc năm 2023 vừa diễn ra tại Thanh Hóa, cô giáo Trịnh Thị Thanh Huyền hóa thân vào vai Thị Màu diễn trích đoạn “Thị Màu lên chùa” cùng với sinh viên của mình. Cuộc thi năm nay đã tạo cơ hội cho cô giáo Thanh Huyền bởi không còn giới hạn ở độ tuổi hay chỉ diễn viên đang hoạt động tại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mới được đăng ký tham dự.
Xem Thanh Huyền hóa thân Thị Màu, như lời của NSND Quốc Anh, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cuộc thi tài năng chèo đánh giá, đã thấy một Thị Màu với ánh mắt sắc như dao cau trên sân khấu, diễn xuất lột tả được vai đào lệch với tính cách lẳng lơ, phóng khoáng theo tài năng của Thanh Huyền mà không bị trùng lắp hoặc giống như những đào lệch trước đó như NSND Thanh Ngoan, NSƯT Thu Huyền... Giải Nhất tài năng dành cho Thanh Huyền tại cuộc thi được giới làm nghề đánh giá xứng đáng, đồng thời góp thêm sự phong phú, màu sắc mới cho vai diễn Thị Màu trên sân khấu chèo. Với Thanh Huyền, cơ hội được thể hiện trong cuộc thi thêm một lần khẳng định chất lượng chuyên môn đào tạo của giảng viên và nhà trường.
“Nhiều năm nay, việc tuyển sinh của Khoa Kịch hát dân tộc đã khó, giữ được chân các em còn khó hơn. Bởi thực tế, khi tuyển chọn thí sinh, nhà trường luôn đặt ra những yếu tố cơ bản như thanh-sắc-thục-tinh-khí-thần, do đó khi tốt nghiệp ra trường các bạn có nhiều cơ hội tìm kiếm những việc làm tốt, thu nhập cao hơn. Giảng viên như chúng tôi khẳng định được tài năng tại các cuộc thi, liên hoan hy vọng sẽ là tấm gương để các em noi theo khi nhìn thấy thầy cô yêu nghề, đam mê với nghề; tiếp thêm động lực để chúng tôi hoàn thành sứ mệnh “đưa đò”, quảng bá và truyền dạy nghệ thuật truyền thống”, Thanh Huyền chia sẻ.
 |
Nghệ sĩ Thanh Huyền vào vai Thị Màu (bên trái) trong trích đoạn “Thị Màu lên chùa” tại cuộc thi tài năng. |
Nghệ sĩ Thanh Huyền sinh năm 1988 trong gia đình làm nghệ thuật truyền thống ở Thái Bình. Từ nhỏ, Thanh Huyền đã theo bố mẹ đi hát chèo, lên Hà Nội học Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân diễn viên chèo rồi đầu quân về Nhà hát Chèo Quân đội. Sau một thời gian công tác, Thanh Huyền mong muốn học cao hơn nên đã theo học cao học nghệ thuật biểu diễn rồi trở thành giảng viên của nhà trường.
Niềm vui của Thanh Huyền là hằng ngày lên lớp say sưa giảng dạy và ngắm nhìn các bạn trẻ hóa thân vào vai xã trưởng, mẹ Đốp, Thị Màu... Ngoài các giờ giảng dạy, Thanh Huyền còn tham gia dự án “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương”, giúp những bạn trẻ yêu chèo, say mê khám phá chèo qua các giờ giảng dạy.
Thanh Huyền cho biết: “Cũng có duyên hay sao mà tôi lại được “Chèo 48h” mời về giảng dạy cho các bạn từ 15 đến 22 tuổi. Chỉ nghe đến độ tuổi của các bạn tham gia học là tôi đã cảm thấy rất hào hứng. Vì tôi muốn dành tất cả tâm huyết của mình để giúp các bạn trẻ hiểu và yêu chèo hơn, giống như tình yêu tôi dành cho chèo khi tôi còn ở tuổi của các em bây giờ, và thấy rằng giới trẻ không hờ hững với nghệ thuật truyền thống như mình trăn trở trước đây. Tôi thích truyền nghề cho các bạn trẻ để các bạn hiểu biết thêm về chèo, thêm yêu các bộ môn nghệ thuật truyền thống và hơn hết là tôi luôn mong mỏi được làm một “sứ giả” thực thụ để mang nghệ thuật chèo đến với giới trẻ”.
Bài và ảnh: BẢO ANH