Chị Phạm Mỹ Lệ là Việt kiều Đức, quê gốc ở xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Dù đã xa quê hương hơn 20 năm nhưng như lời chị chia sẻ, từ nhỏ chị đã rất mê hát chèo. Mỗi khi ở làng có tiếng trống chèo rộn vang là chị háo hức đi xem, rất thích ngắm nhìn các bà, các chị mặc chiếc yếm đỏ, áo cánh vàng, áo tứ thân hồng thắm. “Tôi mê hát chèo lắm, nhưng ngày đó mẹ cứ bảo “xướng ca vô loài” nên nhất mực không cho.

Có lần tôi trốn mẹ đi theo các bà, các chị tập hát chèo, lúc đó tôi chưa biết hát, các thầy cho tôi đóng vai Thị Kính ra sân khấu cầm cái mõ gõ cộc, cộc, miệng chỉ nói a di đà Phật... Lúc diễn, mẹ tôi biết được cũng lôi về. Từ sau lần đó, tôi không được theo đội hát chèo nữa”, chị Lệ kể lại, giọng đượm buồn.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Xuân Trường và Phạm Mỹ Lệ biểu diễn tiết mục “Quân tử vu dịch”.

Trưởng thành, chị sang Đức làm ăn, mỗi lần về quê hương vẫn tìm đến các sân khấu để xem chèo. Khoảng 3 năm trở lại đây, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà hát, nhóm, nghệ sĩ chèo thường xuyên tổ chức nhiều cuộc biểu diễn online, hát chèo trên nhà hát online, rồi Facebook, Zalo... đã tạo cơ hội cho người yêu chèo như chị Lệ, dù ở phương trời xa xôi vẫn được thưởng thức những giai điệu chèo đặc sắc.

Chị Lệ cho biết: “Tôi thấy nghệ thuật chèo diễn ra rất sôi nổi, các nghệ sĩ giới thiệu từ cách thức, điệu hát đến cả nguồn gốc, giá trị của chèo. Thế là tôi tìm cách liên hệ với các nghệ sĩ để nhờ họ dạy hát chèo. Người đầu tiên tôi liên hệ là Nghệ sĩ Nhân dân Mai Thủy ở Nhà hát Chèo Ninh Bình, chị rất tận tình dạy tôi học online”.

“Đã có lúc nửa ngày học mãi chỉ với 4 từ “à... á... à... ơi”. Muốn đứt hơi không thành hồn luôn. Rồi lại ám ảnh thật sự những tiếng “ì... í... í” véo von của chèo, và bất lực với âm thanh cốc, cốc nhịp nhàng. Có hôm đủ 15 tiếng bò, nằm, ngồi, quỳ, đứng, bay bổng đủ các tư thế để học vào đầu làn điệu chèo”, chị Lệ kể lại những thời điểm “nằm gai nếm mật” để học hát chèo.

Để góp mặt trong chương trình giao lưu chèo toàn quốc lần này, chị Mỹ Lệ đã bay gần nửa vòng trái đất từ Đức về Việt Nam cách đợt diễn hơn một tháng. Chị kể: “Khi thấy trên mạng giới thiệu về chương trình giao lưu, tôi đã đăng ký tham gia và gác lại công việc ở Đức, liên hệ với soạn giả Mai Văn Lạng ở Việt Nam giới thiệu thầy hướng dẫn. Anh Lạng đã cổ vũ và nhờ thầy Song Thương của Nhà hát Chèo Hải Dương dạy. Tôi biết ơn vô cùng!”.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Xuân Trường và Phạm Mỹ Lệ trong Giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc lần thứ VIII, năm 2023. 

Trên sân khấu chương trình giao lưu, khi chị Phạm Mỹ Lệ hóa thân vào vai nàng Châu Long hát những giai điệu ngọt ngào trong trích đoạn “Quân tử vu dịch” của vở chèo cổ nổi tiếng “Lưu Bình-Dương Lễ” cùng với nghệ sĩ Xuân Trường-khiến mọi người cảm phục. Nghệ sĩ Xuân Trường chia sẻ, ban đầu khi nhận lời soạn giả Mai Văn Lạng hướng dẫn cho Mỹ Lệ, anh khá băn khoăn bởi chị Lệ nói tiếng Việt nhiều câu còn không tròn vành rõ tiếng.

“Nhưng tôi cảm nhận từ người phụ nữ xa quê hương lâu ngày này niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật chèo. Không quản đường xa, hằng ngày từ sáng sớm, chị từ quê ở xã Hưng Đạo lên TP Hải Dương để học tôi hát chèo, có hôm học hát tới 8 tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy chị nao núng, bỏ cuộc. Tiết mục “Quân tử vu dịch” của chúng tôi được Ban tổ chức đánh giá cao, Mỹ Lệ nói vui là mang chứng nhận tiết mục về dâng lên bàn thờ mẹ để chứng minh với bà rằng chị biết hát chèo và đã thể hiện thành công ở sân chơi với gần 1.000 người yêu chèo cả nước tham dự”, nghệ sĩ Xuân Trường cho hay.

Sau chương trình biểu diễn giao lưu, chị Mỹ Lệ cho biết trở về Đức, chị sẽ kết nối với kiều bào yêu tiếng Việt, yêu hát chèo để lập nhóm, câu lạc bộ hát chèo và dân ca. Hy vọng vào mùa diễn giao lưu lần thứ IX của những người yêu chèo, chị sẽ trở về và có thêm nhiều người đồng hành hát chèo.

Bài và ảnh: GIA HƯNG