Cụ thể, nhiều chương trình sân khấu, vở cải lương mới tái dựng tác phẩm kinh điển, cùng các cuộc thi tài năng chuyên nghiệp toàn quốc và TP Hồ Chí Minh... đã và đang giúp hoạt động của sàn diễn này “sáng đèn” thường xuyên, gặt hái nhiều thành công; đồng thời tạo ra sân chơi chuyên nghiệp cho giới làm nghề thi tài. Các vở diễn đã đa dạng hơn về thể loại, từ đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng, bảo vệ đất nước trong thời bình đến dân gian dân tộc, cổ trang,... Từ đó, nhiều cái tên sân khấu cải lương cả mới lẫn cũ đã dần đi vào đời sống hằng ngày của khán giả, như: Sân khấu Cải lương mới Đại Việt, Sân khấu Chí Linh-Vân Hà, Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Đoàn cải lương tuồng cổ Đồng Ấu Bạch Long...

leftcenterrightdel
Các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang biểu diễn nghệ thuật cải lương. Ảnh: TRUNG TRỰC 

Thời gian qua, các sân khấu cải lương đã mang tới cho khán giả nhiều sự lựa chọn với các vở diễn như: “Bên cầu dệt lụa” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), “Kim Ngọc lương duyên” (Sân khấu Chí Linh-Vân Hà), “Công chúa Đồ Lư” (Sân khấu Khánh Tâm), “Bảo Túy Anh lập hội kỳ bàn” (Sân khấu Trường Giang),... Khác với các loại hình nghệ thuật khác, sân khấu cải lương thường đi kèm những hoạt động lễ hội. Dịp này, các đơn vị tung hàng loạt chương trình trong dịp lễ hội đầu xuân, như: Sân khấu Nguyễn Khắc Huy diễn vở “Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài”, Sân khấu Sao Phương Nam diễn “Đường về thành San Hậu”...

Trong những năm gần đây, các nhà hát, sân khấu đã tích cực đưa cải lương đến với công chúng thông qua việc tổ chức dàn dựng, biểu diễn các vở cải lương mới, tổ chức hoạt động thường xuyên, đa dạng hóa các chủ đề, đưa nghệ thuật cải lương trở nên hấp dẫn hơn. Trong năm 2024, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ thực hiện hai nội dung chính là mô hình “sân khấu du lịch” và đầu tư dàn dựng tác phẩm về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả Trần Hữu Trang; đồng thời nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới phù hợp để cải lương bắt nhịp với xu thế phát triển của các loại hình nghệ thuật khác; chú trọng khai thác các đề tài lịch sử, cách mạng, xã hội đương đại. Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chia sẻ: Nhà hát đã đặt hàng đội ngũ soạn giả sáng tác những tác phẩm chất lượng, mang giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, kết hợp với việc dàn dựng mới, áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra những tác phẩm sân khấu độc đáo, mang hơi thở thời đại.

Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương, theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, cần có không gian để các nghệ sĩ rèn luyện, biểu diễn. Cùng với đó, cần quan tâm, chú trọng đến khán giả, thu hút khán giả đến với cải lương nhiều hơn. Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, các nghệ sĩ của sân khấu cải lương hôm nay không thể dừng lại ở việc chỉ diễn các vở diễn quen thuộc, những tích tuồng cũ, mà cần có nhiều vở diễn mới khai thác được tính thời đại, đề cập đến vấn đề mang tính thời sự.

NGÂN HƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.