Bên cạnh bản nguyên gốc bằng chất liệu thạch cao (hiện đang bảo quản trong kho), tác phẩm còn được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chuyển đổi thêm sang chất liệu đồng phục vụ công tác trưng bày, trong khi vẫn giữ được giá trị nghệ thuật và tinh thần mà tác giả Phạm Mười muốn truyền tải.
Tác phẩm “Vót chông” được Phạm Mười xây dựng bằng ngôn ngữ tạo hình ba chiều, có sự kết hợp giữa vẻ đẹp của nghệ thuật cổ điển phương Tây và truyền thống điêu khắc Việt Nam. Tác phẩm mang đậm ảnh hưởng của phong cách tân cổ điển, với đường nét mềm mại và duyên dáng, một phần khác lại gợi nhớ đến những tượng nữ thần Hy Lạp cổ đại được tạc từ cẩm thạch. Đồng điệu cùng cảm xúc này, hình ảnh cô gái trong tác phẩm của Phạm Mười còn mang đầy chất thơ và có sự pha trộn giữa sự tĩnh lặng cùng sức mạnh tiềm ẩn.
Bằng hình thức và cấu trúc chặt chẽ, tác giả đã truyền tải một vẻ đẹp tự nhiên của người thiếu nữ qua dáng ngồi ngả về phía trước, đôi mắt trầm tư và gương mặt hiền hòa, thanh thoát. Đặc biệt, trang phục áo bà ba và đường nét cơ thể của nhân vật được thể hiện một cách nhẹ nhàng, không rườm rà, tạo nên sự mềm mại trong kết cấu hình khối, cho thấy sự tinh tế trong cách tạo hình của nhà điêu khắc.
 |
Tác phẩm “Vót chông”. Ảnh do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp |
Tác phẩm “Vót chông” đặt dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của điêu khắc hiện đại Việt Nam. Trước đó, điêu khắc Việt Nam chủ yếu tập trung vào việc tái hiện chi tiết sống động của hình tượng, nhưng “Vót chông” đã thể hiện sự chuyển mình sang một xu hướng tối giản, nơi hình thức được làm nhẹ nhàng, thanh thoát, loại bỏ những chi tiết không cần thiết. Theo hướng tối giản, tác phẩm chỉ giữ lại những yếu tố cần thiết để thể hiện bản chất của nhân vật, như khuôn mặt và cử chỉ vót chông. Đặc biệt, cử chỉ vót chông của cô gái là điểm nhấn của bức tượng, với đôi tay mềm mại, nhẹ nhàng nhưng đầy sức mạnh ẩn chứa, gợi lên cảm giác vừa dịu dàng vừa kiên cường. Sự loại bỏ các chi tiết rườm rà, thay vào đó là một ngôn ngữ tạo hình đơn giản, trực diện, đã giúp Phạm Mười đưa tác phẩm vượt ra ngoài phong cách điêu khắc hiện thực đương thời, mở ra một không gian nghệ thuật mới, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
Một trong những yếu tố nổi bật trong tác phẩm là sự kết hợp giữa công việc bình dị và tầm vóc chiến tranh. Hình ảnh cô gái vót chông tuy đơn giản nhưng lại ẩn chứa một sức mạnh tinh thần to lớn. Cử chỉ vót chông tưởng chừng như một hành động đơn giản nhưng thực sự là một biểu tượng mạnh mẽ của sự hy sinh và trách nhiệm đối với đất nước. Đây là hình ảnh của một thế hệ thanh niên Việt Nam đang sống trong những năm tháng chiến tranh, họ không chỉ là những chiến sĩ ra chiến trường mà còn là những người lao động, những người âm thầm góp phần bảo vệ Tổ quốc qua những công việc giản dị nhưng đầy ý nghĩa.
Với ngôn ngữ nghệ thuật đậm tính biểu tượng và thông điệp sâu sắc, tác phẩm “Vót chông” trở thành một trong những biểu tượng của điêu khắc Việt Nam thế kỷ 20, đồng thời mở ra hướng đi mới cho điêu khắc Việt Nam hiện đại-tối giản, khái quát hình thể mà không sa vào sự khái niệm hóa.
BOX: Nhà điêu khắc Phạm Mười tên thật là Phạm Văn Hớn, sinh tại xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ông có một hành trình dài học tập và sáng tác nghệ thuật, học điêu khắc tại Việt Nam và Liên Xô, sau đó trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, ghi dấu ấn về lịch sử của dân tộc. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2012.
ÚT QUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.