Lan tỏa thói quen đọc sách
Với mong muốn lan tỏa thói quen đọc sách, chị Nguyễn Thu Hà, chủ quán Simple Kafe tại dốc La Pho, phố Thụy Khuê (Hà Nội) đã biến không gian tầng một nhà mình thành quán cà phê sách, nơi đọc sách miễn phí cho mọi người.
Xuất phát từ việc rèn luyện thói quen đọc cho con ngay từ nhỏ, chị Hà dần nhận ra giá trị lớn lao của sách đối với mỗi cá nhân: “Tôi mua rất nhiều sách cho con, đủ thể loại, từ truyện tranh, sách kỹ năng đến sách khoa học. Khi nhận ra thói quen này có thể tạo ảnh hưởng tích cực, tôi muốn chia sẻ nó rộng rãi hơn”.
 |
Tủ sách của Simple Kafe trở thành nơi tập trung của nhiều bạn trẻ mỗi khi đến quán. |
Sau đại dịch Covid-19, chị bắt đầu xây dựng tủ sách với mong muốn đây sẽ là nơi cha mẹ có thể đưa con tới, cùng nhau đọc sách và vun đắp tình yêu với con chữ. Hiện nay, vào mỗi dịp cuối tuần, tủ sách của chị trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều gia đình, đặc biệt là các em nhỏ. “Tôi rất vui khi thấy phụ huynh chủ động đưa con tới đọc sách. Điều đó cho thấy họ đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc giáo dục con từ sớm thông qua sách”.
Để hình thành thói quen đọc sách của trẻ, gia đình có vai trò rất quan trọng. “Gia đình phải là nơi gieo mầm đầu tiên. Sách không nên chỉ xuất hiện như một công cụ học tập mà cần được nhìn nhận như người bạn đồng hành trong quá trình trưởng thành của các bạn trẻ”, chị Hà khẳng định.
Nguyễn Hà Trang, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Tài chính-Quản trị kinh doanh, là một trong những người trẻ có tình yêu đặc biệt với sách. “Với tôi, đọc sách là một cách để thư giãn và tìm về không gian riêng. Tôi chọn sách theo sở thích và cảm hứng cá nhân chứ không chạy theo xu hướng hay các đầu sách “hot”, Hà Trang chia sẻ.
Trang cho rằng, muốn xây dựng thói quen đọc lâu dài, điều quan trọng đầu tiên là phải thực sự yêu việc đọc. Nếu không xuất phát từ sở thích thì việc duy trì sẽ rất khó.
Vũ Thị Hoàng Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư viện Trẻ, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng: "Do đặc thù của ngành học, từ năm thứ nhất, chúng tôi đã phải đọc rất nhiều tài liệu, giáo trình, văn bản quy phạm pháp luật, việc đọc đã dần trở thành nghĩa vụ hằng ngày. Nhưng chính vì đọc để học nên nhiều khi niềm vui đọc sách không còn nguyên vẹn”.
Thói quen đọc có chọn lọc, chỉ đọc phần cần để thi hoặc làm bài khiến sinh viên khó tiếp cận trọn vẹn giá trị của một cuốn sách. Để khắc phục điều đó, Câu lạc bộ thư viện Trẻ đã tổ chức nhiều hoạt động như: “Ngày sách và văn hóa đọc”, “Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc”, “Xây dựng tủ sách cộng đồng”, hay “Cuộc thi ảnh về văn hóa đọc” nhằm lan tỏa tinh thần đọc sách đến với các bạn trẻ trong và ngoài trường. “Chúng tôi muốn biến việc đọc thành một hành trình phát triển bản thân chứ không chỉ là nhiệm vụ học tập”, Hoàng Anh khẳng định.
Phát huy hiệu quả nền tảng số
Nếu như những thế hệ trước gắn bó với sách in truyền thống thì người trẻ ngày nay đang tạo ra một không gian đọc mới mẻ hơn, đó là mạng xã hội. Huỳnh Hoàng Sơn, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) là một nhà sáng tạo nội dung trên TikTok với gần 10.000 người theo dõi, đồng thời cũng là thành viên tích cực của cộng đồng đọc sách “Hội này đọc” với hơn 55.000 lượt theo dõi.
Sơn cho biết: “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà người ta thích nghe và nhìn nhiều hơn đọc. Điều đó khiến văn hóa đọc truyền thống bị lãng quên. Nhưng thay vì trách công nghệ, tôi muốn dùng nó làm công cụ để lan tỏa giá trị của sách”.
Bắt đầu từ những chia sẻ về sách kỳ ảo, văn học hiện đại và trinh thám, là các thể loại yêu thích, Sơn dần mở rộng thể loại đọc để có thể mang đến nội dung đa dạng hơn. “Tôi luôn trăn trở: Làm sao để người đọc không chỉ thấy sách đẹp rồi lướt qua, mà thực sự muốn cầm sách lên và đọc?”, Sơn nói.
Qua những video ngắn, các bài giới thiệu sáng tạo và nội dung sâu sắc, Sơn cùng “Hội này đọc” đang cố gắng xây dựng một cộng đồng yêu sách thật sự, không chỉ là trào lưu. Huỳnh Hoàng Sơn chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là truyền được cảm hứng đọc đến với nhiều người hơn nữa”.
Văn hóa đọc trong giới trẻ đang đứng giữa nhiều sức ép: Công nghệ, học tập, lối sống vội vã... tất cả đều làm giảm khả năng tập trung và gắn bó với những trang sách. Thế nhưng, từ những tiệm sách cũ, quán cà phê sách, đến những video giới thiệu sách trên mạng xã hội, văn hóa đọc vẫn đang âm thầm đi vào đời sống giới trẻ theo những cách mới mẻ, gần gũi hơn.
Bài và ảnh: VÂN HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.