Cố vấn nghệ thuật chương trình, Đại tá, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Thủy; Chỉ đạo nghệ thuật Đại tá Lê Hồng Kỳ; Tổng đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hằng. Những tác phẩm trong chương trình nghệ thuật đã tái hiện chân thực về lịch sử, chiến tranh, truyền đi cảm xúc tự hào và kiêu hãnh của quân và dân Khu 4 anh hùng.

Chương trình của Đoàn văn công Quân khu 4 được khắc họa bằng âm thanh, hình ảnh, màu sắc, cảm xúc và ngôn ngữ rất riêng. Hát múa mở màn “Mô, tê, răng, rứa” đã tái hiện bức tranh về dải đất miền Trung mộc mạc, bình dị, đẹp nên thơ. Chất liệu âm nhạc dân gian vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế được đưa vào chương trình nhuần nhị tinh tế.  

Những câu hò trên sông nước yên bình. 
Hát múa “Mô, tê, răng, rứa”. 

Từ hiện tại trở về quá khứ, lời ca tiếng hát đã vẽ nên khung cảnh háo hức của những lớp thanh niên tình nguyện lên đường. Họ muốn ra trận vì bạn bè đã xung phong lên đường. Họ bước vào chiến tranh vì gia đình, vì Tổ quốc. Họ khát khao hòa bình, khát khao được yêu thương và được sống là chính mình.

Khúc ca "Tình nguyện".

Song ca nam “Vượt khe” mở ra cảnh núi rừng trùng điệp. Trong bóng đêm, người nọ bám ba lô người kia. Vượt dốc đã nhọc nhằn mà xuống dốc cũng lắm gian truân. Nhiều đoạn bộ đội phải ngồi bệt xuống, trượt từng tí một. Bầu trời đen ngòm vô tận, sương đêm lạnh buốt. Rồi nữa cơn mưa rừng bất chợt, nước ào ào như trút, nước cứ xối xả, như muốn cuốn phăng tất cả đi. Con đường ra trận đầy gian nan thử thách.

Song ca nam “Vượt khe”. 

Chiến tranh vô cùng tàn khốc ác liệt. Ở đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh trong gang tấc. Chỉ có tình yêu, nỗi nhớ cùng khát khao mãnh liệt là thứ ánh sáng diệu kỳ mang ý nghĩa bất diệt. Đồng đội chung một con đường ra trận, chung một nắm cơm trộn lẫn với cát sạn, chung một vũng bùn, một vũng máu, chung một nấm mồ, chung một ngày giỗ thiêng liêng… Đồng đội là hết mực thương nhau, không tiếc một thứ gì kể cả máu đào, kể cả sự sống. Biểu tượng của tình đồng đội là thiên anh hùng ca bất hủ của những người lính Quân khu 4 quả cảm anh hùng.

Múa “Lằn ranh đỏ”. 

Những ký ức về một mùa hè đỏ lửa Quảng Trị, vạt cỏ cháy nơi ấy giờ vẫn chưa thể hồi sinh. Bom rơi chênh chếch trong nắng. Nơi rừng thiêng nước độc, những cơn sốt rét là nỗi ám ảnh in sâu vào tâm trí của người lính. Cái lạnh từ trong lạnh ra, quấn vào người bao nhiêu chăn, màn, tăng, võng vẫn lạnh, tựa như có một luồng khí rút hết hơi người trong ruột gan mà tống ra ngoài. Sốt rét hành hạ khiến họ tóc thì rụng tiều tụy xanh xao...

Hình ảnh những người phụ nữ được khắc họa trong chương trình. 

Trong cuộc chiến tranh khốc liệt có bóng những người phụ nữ. Từ cô bé họ trở thành thiếu nữ, thành cô, thành người mẹ, tất cả tuổi xuân của họ gắn với cuộc chiến thảm khốc. Trong ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, nhiều người phụ nữ đã vượt lên sự yếu đuối thông thường, giới hạn và bản năng để cứu đồng đội, cứu vớt chính mình.

Đơn ca nữ “Những thiên thần trên đá”. 

Khúc ca múa “Quân khu 4 tiếp bước quân hành” thể hiện niềm tự hào về lịch sử, truyền thống. Lực lượng vũ trang Quân khu 4 hôm nay tiếp tục viết tiếp những trang sử hào hùng, đoàn kết xây dựng lực lượng lớn mạnh, vững bước trên chặng đường mới.

Khúc ca múa “Quân khu 4 tiếp bước quân hành”. 

Đại tá Lê Hồng Kỳ, Đoàn trưởng Đoàn văn công Quân khu 4 chia sẻ: “Chương trình đã tái hiện lại một thời hoa lửa của quân dân Khu 4. Có những được, mất trong cuộc đời đã hòa quyện với niềm vui, nỗi đau chung để làm nên những khúc hát nồng ấm tình người, tình đất nước. Có những bài ca vừa sâu nặng ký ức bi hùng, vừa bừng sáng niềm tin khát vọng của thế hệ từng làm nên lịch sử trong chiến tranh vệ quốc. Bản hùng ca sẽ ngân vang mãi với cả lòng mình, cho quê hương, cho đồng đội và những người thân yêu nhất”.

Tin, ảnh: NGỌC THỦY - VŨ DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.