Thời đại “4.0”, chỉ cần cú “nhấp chuột” trên máy tính có kết nối internet hay một cái chạm trên điện thoại, thông tin, fake news có thể lan truyền tới bất cứ đâu, đến bất cứ đối tượng nào nếu nó không được phát hiện, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời.

Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh về vấn nạn tin giả trong “thế giới phẳng”, mới đây, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã ra mắt cuốn sách “Fake news và chống fake news” của nhà báo Đỗ Đình Tấn, nguyên Phó tổng thư ký tòa soạn, nguyên Trưởng ban quốc tế, Báo Tuổi trẻ.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách. 

Với sự am hiểu của một người lâu năm gắn bó với công việc làm báo, biên tập báo chí, từng xuất bản 4 cuốn sách về nghề báo (“Một nền báo chí phẳng”-2014; “Báo chí lương tâm”-2016; “Báo chí và mạng xã hội”-2017; “Truyền thông và kinh doanh”-2019) và là dịch giả của nhiều cuốn sách về chính trị, xã hội, thông qua cuốn sách “Fake news và chống fake news”, nhà báo Đỗ Đình Tấn cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh về fake news và cuộc chiến chống tin giả hiện nay. Cuốn sách được chia thành 5 chương, gồm: Fake news, sự lây lan và mục đích được tạo ra; Tin giả, thách thức và khủng hoảng báo chí; Báo chí tự cứu mình và chống tin giả; Pháp luật, cách tiếp cận và chọn lựa khác; Xóa mù, kiến thức và kỹ năng số cho công dân.   

Khái niệm “fake news” xuất hiện phổ biến rộng rãi khoảng năm 2016 và từ đó đến nay, nó nở rộ, lây lan rất nhanh, đặc biệt vào những thời điểm thiên tai, dịch bệnh bùng phát như trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Theo các nhà nghiên cứu của Viện công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), tin giả, nhất là tin liên quan đến chính trị, chỉ cần khoảng thời gian ít hơn 3 lần so với tin thật để vươn đến 20.000 người. Khi khảo sát 126.000 tin đồn được chia sẻ bởi 3 triệu người sử dụng mạng xã hội, các nhà nghiên cứu của MIT cũng chứng minh cho thấy, để lan truyền đến 1.500 người, tin thật phải mất một lượng thời gian nhiều gấp 6 lần so với tin giả. 

“Giả” thường được hiểu “không phải là thật, nhưng làm ra vẻ giống như thật” hay “làm như thật để người khác tưởng thật”. Như vậy, xét về bản chất, fake news là xấu, là có hại, vì tự thân nó mang hàm ý lừa, lừa dối, lừa gạt. Chỉ rất ít một số fake news mang tính chất tếu táo, bỡn cợt, vui đùa, còn đại đa số fake news đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội. Sau khi nghiên cứu kỹ nguồn gốc, bản chất, hình dạng xuất hiện, cách thức lan truyền và mục đích tạo ra, tác giả Đỗ Đình Tấn cho rằng: “Fake news là một thông tin hoàn toàn giả hoặc bịa đặt, phóng đại hay bóp méo, xuyên tạc đến mức không còn là thật, xuất hiện dưới dạng tin tức báo chí, lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội qua việc chia sẻ, để đánh lừa công chúng nhằm đạt được một mục đích (chính trị, ý thức hệ, kinh tế, lợi ích...) nào đó”.

Bám theo quan điểm “xóa mù truyền thông chính là xóa mù chữ của thế kỷ 21”, cuốn sách “Fake news và chống Fake news” cung cấp những kiến thức về cách phân biệt fake news; cuộc chiến chống fake news trên khắp thế giới, nhất là các nước có nền báo chí-truyền thông phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Canada... với các đạo luật răn đe những ai tạo ra tin giả; những kỹ năng kiểm tra dữ kiện... từ đó giúp người dùng mạng có thể xử lý thông tin một cách tỉnh táo, thông minh. Những lý giải về tốc độ lây lan của tin giả trong cuốn sách là bước đầu đưa độc giả đến với những “bài học” xóa mù tin tức, xóa mù truyền thông và trang bị cho công dân, nhất là công dân trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp họ phân tích, đánh giá các thông tin và hình ảnh trên không gian mạng, từ đó hình thành “cách đọc thông minh”, “người xem thông thái” để tự mình phòng ngừa tác hại của tin giả trên “thế giới phẳng”.

PHÚC NỘI