Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến (Tư Diệu) là cái tên quen thuộc của làng phim Việt Nam. Ông có nhiều năm làm Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh. Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến rất được đồng nghiệp nể trọng ở mảng phim tài liệu bởi cả tài năng và niềm đam mê của ông. Thế nên dù đã bước qua tuổi 80, tác giả vẫn quyết định tái hiện chân thực những khoảnh khắc khó quên nhất cuộc đời mình trong tập truyện và ký “Tôi được sống”.

leftcenterrightdel

 Cuốn sách “Tôi được sống” của Nguyễn Ngọc Hiến.

Sau khi tập kết ra Bắc vào tháng 10-1954, Nguyễn Ngọc Hiến được đào tạo ở Trường Học sinh miền Nam. Sau khi tốt nghiệp khoa Toán - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1964 ông trở vào chiến trường miền Nam chiến đấu, thuộc phân khu Sài Gòn-Gia Định, làm công tác giáo dục, rồi làm phóng viên chiến trường. “Tôi được sống” là câu chuyện của chính tác giả, người chiến sĩ từng hai lần vượt Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt.

Nêu cảm nghĩ về cuốn sách, PGS, TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh nói: Những gì anh Tư Diệu viết chất chứa cả nỗi lòng chúng tôi ở đó. Chúng tôi tự hào thuộc lòng những bài ca ra trận, những lời ca hối thúc dâng hiến tuổi xanh cho tự do, độc lập. Ở chiến trường dù rất ác liệt, không nghĩ đến ngày về nhưng vẫn luôn luôn mơ ước có ngày về.

Những người lính từng đi qua lằn ranh sinh tử, có những lúc tưởng chừng cầm chắc cái chết, thì “được sống” gói trọn cả bao hạnh phúc và lý tưởng trong đó. “Tôi được sống” – một điều chân thành tưởng như rất đỗi bình dị ấy, trong hoàn cảnh chiến tranh, lại là điều rất đỗi thiêng liêng.

Sở trường làm phim tài liệu của đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến được thể hiện rất rõ trong 300 trang sách “Tôi được sống”. Đó là những quan sát tinh tế, những dữ kiện cụ thể và những chi tiết chắt lọc, tất cả tạo nên cảm giác chân thực như đang ngược dòng lịch sử.

leftcenterrightdel
Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến (bên phải) và nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tại chương trình ra mắt sách.

Theo nhà văn Đặng Đức Thưởng (Thạch Cương), người đồng chí cùng trải qua bom đạn với tác giả: “Đọc những dòng của anh Tư Diệu, tôi thấy như được sống lại những ngày tháng ác liệt nhất của chiến trường Sài Gòn-Gia Định. Hiện thực soi sáng cho những trang viết, chỉ những người đi qua cuộc chiến mới có thể diễn tả sống động như vậy”.

“Tôi được sống” gồm 3 phần: Ký, gồm 10 bút ký “nóng” đầy chi tiết sinh tử ở chiến trường những năm tháng khốc liệt, đặc biệt ở vùng Củ Chi “đất thép”; Truyện, gồm 3 truyện ngắn về những hy sinh, nghĩa tình đồng đội, phảng phất tình yêu trong trẻo của những thanh xuân chiến trường, nghĩa tình đồng bào gian lao mà đầy lạc quan, vững niềm tin vào ngày chiến thắng…; Hồi ức về học sinh miền Nam gồm các câu chuyện, trích đoạn và rất nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, những bức ảnh có giá trị như tư liệu bảo tàng về chiến tranh.

leftcenterrightdel
Đại diện độc giả, đồng đội của tác giả chia sẻ về cuốn sách.

Ấn phẩm là những lời tri ân lặng lẽ, tri ân với đời, tri ân với người, tri ân với cách mạng, tri ân với số phận.

Ông Lê Hồng Liêm, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng bày tỏ: “Cứ mỗi tháng tư về, chúng ta rất nhiều cảm xúc, hoài niệm và ký ức. Chúng ta nhớ lại một thời hoa lửa, một thời tuổi trẻ hào hùng. Chúng ta mơ về ngày non sông quy về một mối, nhiều niềm vui. Nhưng chúng ta cũng có nhiều nỗi buồn. Nhớ về đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, những người chưa tìm được hài cốt, những di tích của chiến tranh vẫn còn đâu đó chưa được chữa lành…”.

Tháng Tư, những ngày này thật ý nghĩa, TP Hồ Chí Minh cùng cà nước đang rộn ràng kỷ niệm 48 năm ngày hòa bình thống nhất đất nước, đồng thời cũng là năm thứ hai “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, càng ý nghĩa hơn khi cuốn sách “Tôi được sống” của Nguyễn Ngọc Hiến được ra mắt bạn đọc…

Bài, ảnh: HÀ PHƯƠNG TRẦN