Dấu ấn của bậc thầy trinh thám Nhật

Là tác phẩm tiêu biểu của dòng trinh thám Nhật Bản, “Âm thú” mang đậm phong cách Ero-Guro-Nansensu – sự kết hợp giữa gợi cảm (erotic), kỳ quái (grotesque) và phi lý (nonsense). Với cách kể chuyện độc đáo, Ranpo không chỉ cuốn hút người đọc vào những vụ án ly kỳ mà còn đặt ra những câu hỏi sâu sắc về bản chất con người.

Ra mắt tập truyện ngắn “Âm thú” của Edogawa Ranpo tại Việt Nam

Truyện mở đầu bằng sự đối lập giữa hai kiểu nhà văn trinh thám: Một bên hướng đến lý trí, một bên đào sâu tâm lý. Chính sự giao thoa này tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của Âm thú – nơi những bí ẩn không chỉ xoay quanh tội ác mà còn phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm của chính tác giả trong sáng tác của mình.

Cuộc chơi với độc giả trong mê cung trinh thám

Edogawa Ranpo dẫn dắt độc giả qua một mê cung trinh thám đầy lắt léo, nơi mỗi chi tiết đều có thể là một cú lừa ngoạn mục. Khi một nhà văn nhận được lời cầu cứu từ một góa phụ giàu có, câu chuyện nhanh chóng cuốn vào vòng xoáy của những âm mưu và ảo giác. Ranpo không chỉ dựng lên một vụ án mà còn biến chính tác phẩm của mình thành một trò chơi trí tuệ, nơi ranh giới giữa thực và hư dần nhòa đi.

Bằng việc thách thức niềm tin vào bằng chứng vật lý và động cơ tội phạm, Âm thú tạo ra một trải nghiệm đọc mới lạ, khác biệt so với trinh thám phương Tây, cũng như chính những tác phẩm khác của Edogawa Ranpo từng được giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Kẻ sát nhân trong truyện không đơn thuần là một tội phạm mà là một nhân vật bước ra từ trang sách, thách thức cả quy tắc thể loại lẫn sự suy luận của độc giả.

Tuyên ngôn nghệ thuật của Edogawa Ranpo

Ra đời trong giai đoạn sung sức nhất của Ranpo, Âm thú không chỉ là một câu chuyện trinh thám mà còn là một tuyên ngôn nghệ thuật. Tác phẩm phản ánh tinh thần sáng tạo không giới hạn, vượt khỏi những khuôn mẫu thông thường của văn học trinh thám, sự vượt thoát của chính Ranpo, đồng thời cho thấy sự giao thoa giữa văn hóa Nhật Bản và phương Tây trong thời kỳ đầu thế kỷ XX.

Với bản dịch lần này, độc giả Việt Nam có cơ hội tiếp cận một tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của Edogawa Ranpo – nơi trinh thám không còn là trò chơi của lý trí đơn thuần mà trở thành một hành trình khám phá những góc khuất đen tối nhất trong tâm hồn con người.

“Edogawa Ranpo nổi tiếng viết về bản năng rất ám ảnh, tuy nhiên cuốn “Trườn đi trong bóng tối” này mới thực sự là kinh khủng. Trong lục đạo luân hồi, súc sinh đạo chính là nơi dành cho những kẻ vô minh, chỉ sống bằng dục vọng và đau khổ, không thể tự giải thoát. Tiểu thuyết này của Ranpo chính là mô tả súc sinh đạo chi tiết và hình tượng nhất. Một kẻ si mê quá độ, một kẻ độc ác quá độ, một kẻ vô tri quá độ. Vì một tội ác mà 3 kẻ đó bị đẩy xuống hang sâu, ăn thịt lẫn nhau để sống. Trong bóng tối, bản năng con thú mãnh liệt hơn nữa khiến tính người lép vế. Thú tính lên cao đến mức độ khiến người đọc sinh ra cảm giác bế tắc như thể súc sinh đạo này không dẫn đến luân hồi mà dẫn đến một súc sinh đạo ghê sợ khác nữa.

Rồi trong đời sống này, mỗi người trong chúng ta có phải cũng đang lạc trong con đường súc sinh không lối thoát của chính mình mò mẫm tìm đường luân hồi không.

Tiểu thuyết được xây dựng trên nền ngôn từ không thể văn học hơn. Tôi nghĩ lần xuất bản này là lựa chọn thuộc về độc giả. Là dịch giả đồng thời là độc giả kỳ cựu, mình bị cuốn tiểu thuyết này thuyết phục triệt để.” (theo dịch giả Phương Phạm)

THANH HẢI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.