Góp những góc nhìn khá sâu sắc và đầy đủ về dấu ấn sáng tạo của văn nghệ sĩ trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tác giả Ngô Thảo vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Tác giả và tác phẩm văn học 1945-1975”. Cuốn sách nằm trong bộ sách kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2025.

Bìa cuốn sách. 

Với một cuốn sách có độ bao chứa khá rộng trong khoảng thời gian 30 năm văn học kháng chiến như “Tác giả và tác phẩm văn học 1945-1975”, lẽ thường người viết phải có lời giới thiệu một cách đầy đủ và trọn vẹn. Nhưng tác giả Ngô Thảo đã không làm như vậy mà đi thẳng vào các bài viết. Có lẽ vì mỗi gương mặt văn nghệ sĩ và tác phẩm được giới thiệu trong cuốn sách đã lấp lánh những câu chuyện đủ đắm say để dẫn dụ người đọc bước vào bến bờ của sáng tạo. Trong đội ngũ những người lính văn nghệ, tác giả Ngô Thảo đã lựa chọn giới thiệu Trần Đăng đứng ở vị trí số một, đồng thời dẫn lại bài viết trên số Xuân 1950, Báo Vệ quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân): “Trần Đăng là người văn nghệ binh thứ nhất đã đổ máu ở chiến trường”. Liệt sĩ, nhà văn, nhà báo Trần Đăng là minh chứng sinh động cho lớp lớp thế hệ văn nghệ sĩ hưởng ứng một cách nhiệt thành và mạnh mẽ khẩu hiệu do Đảng ta phát động, đã trở thành kim chỉ nam cho văn nghệ lúc bấy giờ: Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa.

Trong cuốn sách, tác giả Ngô Thảo không quá chú trọng việc truyền tải một cách đầy đủ và chi tiết sự nghiệp sáng tác của các văn nghệ sĩ thời kỳ kháng chiến. Ông chỉ chú ý khắc họa những nét riêng biệt về tài năng, tính cách của các chân dung văn nghệ nhưng đủ ôm chứa và gợi mở nhiều điều thú vị. Ngay trong cách đặt tên các bài viết, tác giả Ngô Thảo đã cho thấy sự cẩn trọng, kỹ lưỡng và những xúc cảm độc đáo dành cho các văn nghệ sĩ. Có thể kể đến như các bài: “Hẹn với ngàn năm một nụ cười”; “Dưới đám mây màu cánh vạc và người nữ du kích anh hùng”; “Thanh Tịnh: Trọn một đời chiến sĩ”; “Trang Thế Hy: Cây cổ thụ của vườn văn Nam Bộ”...

Tiếp cận các bài viết của Ngô Thảo, người đọc có thể nhận thấy hình ảnh các văn nghệ sĩ đã “đốt cháy mình làm nên những ngọn đèn đứng gác” trong biên niên sử vừa bi hùng vừa tráng lệ của dòng văn kháng chiến. Đó là một Lê Lựu dành phần lớn công sức tìm tòi, thể hiện cho được hình ảnh những đồng đội của ông-nhân vật người lính-trên trang văn. Say sưa và có chủ đích, Lê Lựu đã quyết truy tìm cho được những biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó còn là Nguyễn Thi thể hiện một sự trong sáng tuyệt đối, một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, một tình yêu tha thiết và sự cảm phục đối với quần chúng cách mạng đã xây dựng chỗ dựa bền vững cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đó là Trang Thế Hy say đắm với không gian của thân phận người nghèo khó, tủi cực nhưng có cả “cánh rừng đại ngàn của lòng tốt”, của sự hy sinh, đùm bọc, chở che, nuôi giấu cán bộ, đảng viên cách mạng khi bị Mỹ-ngụy săn đuổi, truy lùng, tìm diệt ở khắp mọi nơi...

Mỗi câu chuyện đời, chuyện nghề của văn nghệ sĩ thời kỳ kháng chiến được Ngô Thảo khắc họa dẫu ngắn gọn mà vẫn sâu lắng và lay động trái tim người đọc. Họ đã góp mình vào cuộc kháng chiến, làm tấm gương soi rọi sự khốc liệt của chiến trường, làm tiếng kèn thúc giục tinh thần chiến đấu và cũng đã làm lấp lánh hơn, giàu có hơn phút giây thắng lợi cuối cùng.

NGUYÊN ĐỨC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.