Tôi cảm phục sức sáng tạo ở chị. Nếu nói rằng, cảm xúc của người cầm bút tạo ra “hoa thơm và quả ngọt” cho thơ, thì ở chị Minh Cử luôn tràn đầy cảm xúc. Ở cái tuổi 77, cuộc sống của chị chưa hẳn đã hết lo toan. Đại gia đình “tứ đại đồng đường” của anh chị với hơn 20 thành viên hằng ngày có biết bao chuyện cần đến anh chị. Thế mà chị vẫn giữ được lửa, vẫn tạo được những “hoa thơm, trái ngọt” cho thơ. Một trái tim đầy yêu thương và thật giàu cảm xúc. Trong tập thơ này, chị đã dành cho “Hoài niệm về Trường Sơn” 9 bài thơ chân thật và cảm động.
Vốn là người lính quân y của Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nên chỉ cần “khẽ chạm” vào hai tiếng Trường Sơn thì bao ký ức, kỷ niệm, bao nỗi nhớ trong chị lại ùa về ào ạt. Trường Sơn luôn khắc khoải trong tim chị đến nỗi, chỉ nghe bài hát “Hành quân xa” trên đài, trên tivi hay nghe tiếng chim trong đêm thôi cũng khiến chị nhớ: “Tiếng chim ríu rít gọi đêm/ Đưa ta về với đại ngàn Trường Sơn” (Nhớ xuân).
|
|
Y sĩ Nguyễn Thị Minh Cử (thứ tư từ phải sang) trong một lần đi khám, tư vấn sức khỏe cùng Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo Trường Sơn. |
Những khi tham gia đoàn y, bác sĩ của Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo Trường Sơn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hội viên Trường Sơn thì cuộc sống bao gian khó cùng đồng đội năm xưa lại dội về: “… Như phim người cứ rưng rưng/Nhớ thương đồng đội đã cùng bên nhau…” (Nhớ mùa khô Trường Sơn).
|
|
Tập thơ "Nơi ấy mơ về" của tác giả Nguyễn Thị Minh Cử. |
Và thật ngạc nhiên khi chị viết tới 9 bài thơ để nói về cùng một chủ đề “mối tình Trường Sơn” thời thanh xuân và tình cảm sâu nặng hôm nay anh chị luôn dành cho nhau với nhiều cung bậc cảm xúc. Mỗi cơn gió thoảng, một giấc mơ đêm thu, một chiếc lá rơi… chị đều có thể nghĩ về mối tình Trường Sơn rất đẹp của mình để tự nhắc mình gắng và luôn “giữ lửa” để anh chị tiếp tục nắm chặt tay nhau đi hết cuộc đời. Ta có thể tìm thấy tình cảm nồng nàn mà anh chị đã dành cho nhau, nghĩ về nhau và nguyện ước vì nhau… trong các bài thơ: Thời gian, Thư gửi mùa thu, Nơi ấy mơ về, Có một thời như thế, Kỷ niệm mùa thu, Tuổi cao, Buông bỏ, Tình già, Có một chữ tình, Tặng bạn đời tri kỷ, Vần thơ không gửi…
|
|
Tác giả Minh Cử cùng chồng tại Điện Biên tháng 4-2024. |
Rồi khi đọc bài “Thăm chiến trường Điện Biên” trong tập thơ tôi lại đi đến bất ngờ khác. Một trong hai người anh trai liệt sĩ của chị đã hy sinh tại Điện Biên. Phần mộ của anh nằm tại nghĩa trang Độc Lập bên các đồng đội là “liệt sĩ chưa biết tên”. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024), vợ chồng chị và các anh chị em ruột của chị đã hành hương lên Điện Biên. Từ cảm xúc của chuyến đi ấy, chị đã viết những dòng thật cảm động: …“Điện Biên sông núi bao la/ Máu đỏ thấm đất mộ nhòa không tên/ Bảy mươi năm vẫn lặng im/ Bên bia thổn thức đi tìm nơi nao/ Nghĩa trang trải rộng biết bao/ Tâm hương em thắp nơi nào thấy anh?...”
Mỗi mùa lá rơi là mỗi lần đếm tuổi. Ở nhiều người, tuổi già ập đến khiến họ lo nghĩ, trăn trở và… lo sợ. “Bay theo gió lá liệng ngang/ Bấm tay ta đếm mùa vàng đang rơi” (Nơi ấy mơ về). Nhưng với Nguyễn Thị Minh Cử không thế. Khi mà cơ thể “Chưa nghe dự báo của đài/ Đã biết thời tiết của vài ngày sau/ Thức đêm mới hiểu đêm thâu/ Khớp như giả khớp, thân nhàu lắm thân…” (Máy báo thời tiết) thì sự an nhiên, “mặc kệ” thời gian ở chị là phương châm, là động lực sống. Nhiều lần chị khẳng định sự an yên, an nhiên tự tại của mình qua những câu thơ tự sự. Có phải vì thế mà chị luôn thấy cuộc đời vẫn đáng sống và sống đẹp. Chị luôn tự nhắc mình: “Sống vui, sống khỏe mỗi ngày /Nêu gương con cháu sau này mãi soi” và “Sẻ chia nhẹ bước nhân gian/ Tình yêu bồi đắp ta san mỗi ngày”...
Chị luôn biết hòa mình vào thiên nhiên để tìm thấy niềm vui, thấy cuộc đời này đáng sống, đáng trân trọng biết bao. Ở cái tuổi của chị, sự lãng mạn vẫn thật đẹp: “Lăn tăn sóng nước trăng treo/ Dang tay ta vớt trăng treo bóng hình/ Nhìn trăng, trăng vẫn lung linh/ Mờ mờ ảo ảo như hình bóng xưa/ Đẹp sao trong những giấc mơ/ Nét thu đọng lại trong thơ đong đầy/ Gió rung khe khẽ nhành cây/ Mênh mang nỗi nhớ heo may đã về” (Thu về). Chị Nguyễn Thị Minh Cử cũng có nhiều bài thơ viết về mùa thu. Có lẽ đây là bài thơ hay nhất về mùa thu trong 2 tập thơ của chị. Đám cưới ở Trường Sơn của anh chị tổ chức vào giữa mùa thu. Không biết có phải vì thế mà chị yêu mùa thu, nhớ mùa thu, mong mùa thu!
Tôi đã gấp lại bản thảo của “Nơi ấy mơ về”. Nhưng hình như những hoài niệm “nơi ấy” của tác giả đã thẩm thấu khiến tôi như vẫn còn bao bâng khuâng. Đây thực sự là một tập thơ đáng để đọc, để suy ngẫm. Ở đó có một hồn thơ dung dị, giàu cảm xúc và rất đáng "mơ về"!
Nhà văn PHẠM THÀNH LONG, nguyên Tổng biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.