Tập truyện có hai phần, phần đầu viết về đời lính, người lính, phần sau viết về đề tài lịch sử, vừa nói lên bước đường trưởng thành của một nhà văn, vừa toát lên một phong cách truyện ngắn riêng khá ấn tượng.

Đó là nét đặc trưng của sự dồi dào chất đời sống tươi rói, đa dạng màu vẻ. Văn anh nhiều cảnh, nhiều đoạn như được “cắt” ra từ đời thực, tạo cảm giác hiện thực tràn cả ra ngoài câu chữ. Vốn sống 16 năm quân ngũ giúp anh viết về hình tượng người lính nhiều quân binh chủng nhưng sinh động nhất là bộ đội hải quân.

Chùm truyện về đề tài này là những trang văn đẹp về người lính đảo, từng trải, can trường, mạnh mẽ và rất nhân văn, giàu lòng trắc ẩn. Một thuyền trưởng Dương Thủy Triều gan dạ, dũng cảm nhưng cũng rất lãng mạn trong tình yêu (Hải âu). Một chiến sĩ Đạm hoàn thành tốt nhiệm vụ của người canh giữ đảo, lúc rảnh rỗi lại là người nông dân, nhà sinh vật chăm chút, nghiên cứu từng loài chim biển đáng yêu (Chim biển). Một mệnh lệnh của Thiếu úy Hợp trong đêm bão biển khủng khiếp: “Rời đảo thì chết, bám đảo thì sống! Tôi ra lệnh tất cả hãy bám lấy thắt lưng nhau” phần nào nói lên phẩm chất anh hùng vượt qua mọi nguy nan của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió (Những phút đầu của mùa xuân).

Một hình ảnh người lính thời hậu chiến Lê Minh Đính đi tìm đồng đội đã hy sinh với bao sự trăn trở, giày vò của một trái tim giàu tình yêu thương (Thung lũng sỏi). Lê Hoài Nam có thế mạnh trong việc sử dụng kết cấu lồng ghép các chi tiết và sự miêu tả giàu chất tạo hình, tiêu biểu ở các truyện ngắn: “Trong nhà có chàng thiếu úy”, “Lan Hoàng vũ”, “Mãnh lực phố phường”, “Thầy giáo dạy văn”, “Đồng quê gió thổi”, “Đốm lửa”, “Màu của gió”... Đây như là hệ quả tích cực của sự giàu có vốn sống kết hợp với năng khiếu quan sát chọn ra những chi tiết tinh tế để câu chuyện thêm sống động.

leftcenterrightdel
       Bìa cuốn sách. 

Viết về đề tài lịch sử hôm qua là cách để nhà văn triết luận về cuộc đời hôm nay. Thế nên anh chọn đề tài tôn giáo (chủ yếu là đạo Công giáo) là phải lẽ. Vì xét kỹ, các tôn giáo lớn chính là triết luận lớn về cuộc sống nhân loại hôm qua và hôm nay. Anh viết về Đức Jesus, về đại danh họa Leonardo da Vinci, về Nguyễn Ánh... cũng là cách triết lý về các phạm trù tương phản xấu và đẹp, được và mất, cống hiến và hy sinh, chân chính và bội phản... ở cuộc đời. Thì ra trong cuộc đời này, để sống theo ý mình không dễ, phải có bản lĩnh để từ bỏ, có hiểu biết để chiêm nghiệm, có tình yêu thương để bao dung. Với bất kỳ ai, càng là người có quyền càng phải phấn đấu, phải tu dưỡng thường xuyên để giữ lấy tính người hướng thiện, hướng về cái trong trẻo, tốt lành. Nhà văn triết luận thành công hơn cả khi đề cao cái “thiên tính nữ” hiện lên rờ rỡ trong những trang đẹp, sâu sắc, tinh tế về người phụ nữ. Họ là Đức mẹ Maria, là Công chúa Ngọc Bình, là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm... cho đến các nhân vật nữ là chiến sĩ đều chung vẻ đẹp nhân hậu, trong sáng, vị tha.

Thiên về lối viết truyền thống, truyện ngắn Lê Hoài Nam có lối văn đẹp, trong sáng, âm vang dư ba. Nhịp điệu chậm rãi. Giọng điệu tình cảm. Đậm đà chất muối mặn mòi của đời thực, dù viết về chủ đề nào cũng đều thấy thấp thoáng một nhân vật tiêu biểu cho cái đẹp, cái thiện. Như những luống cày tươi rói màu đất, nồng nàn mùi đất thuần hậu, chất phác, những trang văn ấy mời gọi người đọc gieo những hạt mầm hy vọng để nảy nở tình yêu về cuộc đời, về con người.

NGUYÊN THANH