Là một người con của quê hương Hải Dương, giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội hai nhiệm kỳ (từ năm 1997 đến 2006), ông Nguyễn Hữu Oanh đã có nhiều việc làm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa xứ Đông. Đó là việc xây đền thờ nhà giáo Chu Văn An, đền thờ Ức Trai Linh Từ, tượng đài Trần Hưng Đạo cùng nhiều công trình văn hóa khác.... Văn hiến xứ Đông có “làng tiến sĩ” Mộ Trạch; có nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Duệ; có Văn miếu Mao Điền; là quê hương của Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh thiền sư, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Khúc Thừa Dụ... cùng nhiều bậc danh nhân khác. Hải Dương còn là nơi lưu giữ lịch sử về 3 danh nhân vĩ đại của đất nước, đó là Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An.

leftcenterrightdel
Tình yêu với di sản quê hương của ông Nguyễn Hữu Oanh đã được thể hiện trong cuốn sách "Văn hiến xứ Đông".

Nói về xây dựng đền thờ nhà giáo Chu Văn An, ông Oanh kể lại rằng, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-1997, ông thấy các thế hệ học trò mặc quần áo đẹp, mang hoa tặng thầy cô. Ông thầm nghĩ, có một người thầy của muôn đời-"vạn thế sư biểu" Chu Văn An nằm trên núi Phượng Hoàng, có ai đến dâng hương hoa cho thầy không? Nghĩ vậy, ông cùng một vài người đem lễ, hương hoa lên viếng thầy. Núi Phượng Hoàng lúc ấy hoang vu lắm, cây duối cổ có từ thế kỷ 14, khi thầy về mở trường dạy học vẫn còn đây. Cảnh cũ, người xưa khiến ông rưng rưng rơi lệ. Ông đã đề nghị Tỉnh ủy, UBND và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho khảo sát, thiết kế xây dựng phần mộ và đền thờ thành cụm di tích văn hóa-lịch sử. Hôm khánh thành, cùng với lãnh đạo tỉnh còn có lãnh đạo bộ và các sở giáo dục-đào tạo nhiều địa phương, học sinh, thầy cô về dự.

Một lần thắp hương ở chùa Côn Sơn (chùa Hun), ngẩng lên thấy ảnh cụ Nguyễn Trãi lồng trong khung kính để bên trong tượng các nhà sư từng tu rồi viên tịch tại đây, ông Oanh chợt nghĩ: Tại sao không xây một ngôi đền thờ cụ? Đến Côn Sơn, người dân nhớ về Nguyễn Trãi-danh nhân văn hóa thế giới. Vì vậy, xây dựng đền thờ Nguyễn Trãi là nguyện vọng, tâm ước của người Hải Dương nói riêng, cả nước nói chung. Khởi công tháng 12-2000, khánh thành vào tháng 8-2002, đền thờ Nguyễn Trãi được xây dựng trên một khuôn viên rộng gần 10.000m2 tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu Nguyễn Trãi. Liền kề là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu đền thờ, đem mát lành, tươi tốt đến cả vùng. Yêu mến, tự hào về Nguyễn Trãi, về Côn Sơn, người Việt Nam nối tiếp nhau về đây, được gặp lại những dấu tích Ức Trai, được nghe vọng mãi tiếng đàn cầm, những áng thơ văn Côn Sơn bất tử.               

Trong 10 năm là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Hữu Oanh đã góp phần làm “sống lại” nhiều giá trị văn hóa của xứ Đông. Ngoài những công trình tiêu biểu kể trên còn phải kể đến Văn miếu Mao Điền, đền thờ đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, bảo tháp Đệ nhị Tổ Pháp loa Thanh Mai, đền thờ Vua Lê Hoàn, đền thờ Khúc Thừa Dụ, chùa Thanh Mai, đền thờ Bà chúa Sao Sa (Nguyễn Thị Duệ). 

HOÀNG QUÝ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.