Đây là công việc có tính thời sự trong bối cảnh nghiên cứu ngày một đa dạng, gia tăng tính liên ngành, đúc kết bài học kinh nghiệm, qua đó góp phần xây dựng định hướng đường lối, chính sách và các hoạt động thực tiễn về biển, đảo đất nước.
Nội dung chuyên khảo này được chia thành 5 chương chính (Tổng quan tình hình tư liệu và định hướng nghiên cứu; Những tiền đề ý thức chủ quyền, cơ sở văn hóa-xã hội của sự hình thành du ký các vùng biển, đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX; Quá trình phát triển thể tài du ký và vấn đề ý thức chủ quyền các vùng biển, đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX; Các phương diện lịch sử, văn hóa, xã hội và du lịch trong du ký biển, đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX; Vai trò chủ thể tác giả, đặc tính hỗn dung thể loại và giá trị sử liệu của du ký các vùng biển, đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX). Trong từng chương lại chia nhiều tiểu mục sáng rõ, tạo thành hệ thống liên kết, hô ứng với nhau.
 |
Bìa cuốn sách. |
Trước hết cần ghi nhận, đánh giá cao khả năng sưu tập tài liệu, văn bản tác phẩm du ký viết về biển, đảo của nhiều thế hệ tác giả thuộc nhiều tầng lớp, ngành nghề, vùng miền và xuất hiện trên cả hàng trăm loại báo chí khác nhau. Đây là công việc có ý nghĩa tiên quyết bởi nếu không có phần “bột” văn bản tác phẩm thì không thể có cách nào “gột” nên công trình nghiên cứu.
Trên nền tảng tư liệu phong phú, tác giả đã thực hiện nghiên cứu liên ngành và đọc “liên văn bản” hệ thống tác phẩm du ký, nhấn mạnh ý thức chủ quyền đất nước được phản ánh trong truyền thống lịch sử dân tộc, nhận thức về cương giới lãnh hải biển, đảo, cảnh báo thực trạng và nguy cơ bị xâm lấn, xâm phạm; xác định quyền chủ quyền lãnh hải, đặc quyền kinh tế và năng lực phòng thủ, bảo vệ biển, đảo cũng như dự cảm về nhiệm vụ phát triển quốc gia cường thịnh, niềm tự hào về vẻ đẹp biển, đảo trong hoạt động du lịch và các giá trị tinh thần biển, đảo gắn với quê hương, đất nước... Nhìn chung, tương quan bảng màu hệ thống tác phẩm du ký biển, đảo vừa thuộc loại hình văn xuôi tự sự (trần thuật, ký sự, ghi chép cảnh thật, chuyện thật, người thật, việc thật), vừa tự thân trở thành giá trị lịch sử (sử liệu và cứ liệu lịch sử giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX) và văn hóa (gợi mở hoạt động du lịch, trại hè, nghỉ dưỡng, tham quan, phát huy sức mạnh truyền thống dân tộc và hiện đại)...
Theo sát định hướng nghiên cứu du ký về các vùng biển, đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX nhìn từ hệ vấn đề chủ quyền-lịch sử-văn hóa, tác giả xác định “du ký biển đảo” bao quát tri thức tổng thể, nguyên hợp văn bản (văn học, chính trị học, chủ quyền quốc gia, lịch sử, văn hóa, du lịch); xác định mối quan hệ giữa tính đơn nhất, khu biệt, chuyên ngành với tính toàn thể (nhìn văn học từ chính trị học và ngược lại, nhìn văn học từ ý thức chủ quyền quốc gia và ngược lại, nhìn văn học từ truyền thống lịch sử và ngược lại); thực hiện kết hợp giữa các chuyên ngành cụ thể nhằm bao quát toàn cảnh, gắn kết các thành phần cơ hữu làm nên bảng giá trị du ký về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông và duyên hải Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Tiến sĩ VŨ NGỌC HƯNG