Cuốn sách có kết cấu 3 phần: Trang phục của một số dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam; nét văn hóa và đời sống của một số dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam qua tản văn, tạp bút, truyện ngắn, phóng sự, ghi chép; tranh miền núi và cao nguyên đá. Cuốn sách góp phần phác họa bức tranh khái quát về trang phục và văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc của Tổ quốc.

 Bìa cuốn sách.

Cơ duyên đưa họa sĩ Đỗ Đức đến với đề tài trang phục và văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc từ năm 1978. Khi đó, Hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc được tổ chức tại Thái Nguyên, họa sĩ lần đầu được chứng kiến nhiều bộ sắc phục rực rỡ, bắt mắt của người Pa Dí, Xá Phó, Lô Lô, Khơ Mú. Những bộ sắc phục đẹp lạ thường, nó không đơn giản như người Tày Nùng, hào hoa như người Thái, hay quen thuộc như người Mông, Dao mà ông từng biết. Điều đó đã thôi thúc ông tìm hiểu và theo đuổi mảng đề tài này.

Những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước còn nhiều khó khăn, họa sĩ Đỗ Đức không có máy ảnh, mọi ghi chép phải dùng bằng tay. Những chuyến điền dã, sáng tác cá nhân được thực hiện bằng ký họa. Thời đó, họa sĩ cũng chăm chỉ hỏi chuyện, tìm hiểu về nguồn gốc trang phục, sinh hoạt, văn hóa của từng tộc người. Tác giả tự hỏi: “Tại sao chiếc khăn trên đầu người phụ nữ Dao Tiền Cao Bằng có màu trắng? Tại sao trong y phục của người Dao có thêu tua chồ (con chó)? Tại sao vạt áo người Pu Péo lại ghép hoa văn bằng những vụn vải nhỏ?”...

Những câu hỏi ban đầu của họa sĩ cũng là khởi nguyên cho nhiều câu chuyện mà ông được nghe, viết lại và cung cấp trong cuốn sách. Phía sau mỗi nét hoa văn qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ đưa lên vải để may khăn, áo, váy đều là những truyền thuyết, câu chuyện, nỗi niềm gửi gắm của ông cha từ ngàn xưa. Các thế hệ sau sáng tạo và hoàn thiện thêm để trở thành một “quỹ” hoa văn đặc sắc, phong phú cho từng dân tộc.

Điểm thú vị của cuốn sách là người đọc có thể đắm chìm trong những ký họa trang phục sắc màu, ngỡ ngàng với những bức tranh về văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc. Các bức tranh dù chưa thật sự đầy đủ nhưng cũng góp phần bảo lưu những bộ sắc phục cổ truyền đang dần biến mất trong thời kỳ hiện đại. Điển hình như bộ khăn váy áo Mông Hoa ở Lai Châu mà ông ký họa lại năm 1978 đến nay gần như đã mất dấu chỉ còn thấy trong bảo tàng.

Cùng với tranh vẽ, người đọc còn có thể thấu hiểu những câu chuyện mà họa sĩ viết lại bằng ngôn từ. Đó là bộ váy áo quen thuộc: “Áo lanh, vải lanh thành tín hiệu văn hóa. Bộ váy áo lanh người mẹ Mông trao cho con ngày đi làm dâu, cất ở đáy hòm để khi chết đem ra khâm liệm, là tiếng nói văn hóa đặc sắc ít dân tộc nào có”. Hay cảnh sắc thiên nhiên mơ mộng: “Trông xa những thân cây gạo trắng như những cây tăm xếp hàng cắm tiêu, còn màu rực rỡ của hoa dán vào triền núi, in lên trời xanh cao vời vợi, cho cảm giác ấm áp đoàn viên xao xuyến lòng người. Bờ Nho Quế sẽ nhạt nhẽo bao nhiêu nếu thiếu sắc đỏ của hoa gạo mùa này”...

Gấp lại cuốn sách, người đọc khó lòng dứt khỏi những dư ba xao xuyến của màu sắc và ngôn từ. Có thể khẳng định, cuốn sách là một trong những tài liệu mỹ thuật khảo cứu đặc sắc, phong phú về trang phục và văn hóa các dân tộc phía Bắc của nước ta.

NGUYÊN ĐỨC