Cuốn sách chuyên khảo “Tìm phố trong làng: Những chiều tâm tư của người cao tuổi” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2020) của TS Nguyễn Công Thảo (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khám phá chiều kích văn hóa làng hiện nay qua đối tượng người cao tuổi gắn bó với làng, mang nhiều hoài niệm lịch sử.

Làng trong tâm thức của người Việt được coi như một không gian sinh hoạt gần gũi, có tính khép kín, là cộng đồng thuần nhất về mặt văn hóa, cùng cư trú trên một địa vực nhất định, là nơi giao tiếp giữa nhà với nhà, người với người. Nơi đây giống như một xã hội thu nhỏ với rất nhiều mối quan hệ cùng không gian sinh sống thân thuộc, có nhiều tác động đến tâm tư, tình cảm của những con người sống trong đó. Với vị trí quan trọng của làng trong văn hóa, xã hội Việt Nam, đã có rất nhiều công trình của các học giả trong và ngoài nước được công bố.

leftcenterrightdel
  Bìa cuốn sách.

Cuốn sách chuyên khảo có độ dày 352 trang, phát triển từ luận án tiến sĩ chuyên ngành nhân học bảo vệ tại Khoa Nhân học, Đại học Tổng hợp Hawaii (Hoa Kỳ). Tác phẩm được cấu trúc thành 5 chương với sự kết hợp giữa góc nhìn khách quan và chủ quan; dưới góc độ của người trong làng và ngoài làng, tác giả đã đưa hình ảnh chính ngôi làng nơi mình sinh ra (làng Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) để nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu.

Cùng với những đổi thay về không gian làng trên nhiều mặt, về cảnh quan sinh thái, thiên nhiên cũng như không gian sống... đã dẫn đến những biến đổi nhiều chiều trong tâm tư của những con người sống trong làng, đặc biệt là các bậc cao niên, những người đã luôn coi làng truyền thống, không gian sống quen thuộc như là một phần quan trọng, là những kỷ niệm gắn bó với cuộc đời họ.

Thông qua ngòi bút của tác giả, độc giả có thể hình dung được những cảm nhận, những suy nghĩ của người cao tuổi về làng, về không gian sống quen thuộc trước đây cũng như những tâm tư của họ về quá trình biến đổi cảnh quan sinh thái một làng ven đô sau đổi mới. Những biến đổi rõ nét của làng được thể hiện trong những trang sách tập trung vào 3 loại hình cảnh quan cụ thể, đó là nhà ở, vườn nhà và không gian thiêng. Sở dĩ như vậy bởi theo nhận định của những bậc cao niên thì đây chính là những không gian gần gũi, có sự tương tác chủ yếu với họ trong quá trình sống, đồng thời có mối liên hệ biện chứng chặt chẽ với nhau đối với không gian sống của họ. Ở đây dường như họ tìm thấy chính mình, những dấu ấn của họ cũng được cảm nhận rõ nét qua những không gian đó.

Người cao tuổi-nhóm người dễ chịu tổn thương nhất cả về mặt vật chất và tinh thần. Họ luôn hoài niệm những gì là thân thuộc. Vì vậy, một sự biến đổi nào đó tách rời những yếu tố quen thuộc trong không gian sống cũng sẽ khiến họ có cảm giác bị lãng quên hay khó có thể thích ứng.

Dẫu biết sự thay đổi, phát triển là điều tất yếu sẽ phải diễn ra nhưng sự phát triển ấy cần gắn bó mật thiết với sự bảo tồn, giữ gìn những giá trị nhân văn, cốt lõi cùng sự ứng xử khéo léo trong cách bài trí và chức năng của từng không gian sống hướng đến người cao tuổi, vì người cao tuổi, để họ không cảm thấy lạc lõng ngay trong chính ngôi làng vốn đã quá quen thuộc.

Phát triển cần gắn với lưu giữ những giá trị cốt lõi, với văn hóa bản địa để kiến tạo nên không gian sống phù hợp của người dân mà đặc biệt là những người cao tuổi là việc làm cần thiết. Phát triển nhưng không tách rời sự kế thừa những giá trị đã được tích lũy là vấn đề đặt ra trong quy hoạch, xây dựng và phát triển làng nói riêng cũng như phát triển nông thôn ngày nay nói chung.

LỆ THU