Đại tá, Giáo sư Phan Phác sinh ngày 29-12-1915 trong một gia đình nhà Nho ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tốt nghiệp Tú tài ở Huế, ông tham gia Phong trào đấu tranh của Mặt trận Bình dân (1936-1939). Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 nổ ra (9-1939), ông trúng tuyển vào lớp đào tạo sĩ quan dự bị ở Sơn Tây và đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp nên được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng đội bảo vệ sân bay Bạch Mai. Được đồng chí Khuất Duy Tiến (1910-1984) nhà cách mạng lão thành giác ngộ, ông có cảm tình với cách mạng và tham gia hoạt động binh vận.

Bìa sách “Cuộc đấu trí bất ngờ”. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông được cử làm Ủy viên Hội đồng nghiên cứu xây dựng Quốc phòng (10-1945). Chính từ cương vị này, ông được tham dự cuộc gặp mặt và đối thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 2 người đại diện Chính phủ Pháp là Pignon và Sainteny. Sau này, nhớ lại nội dung cuộc gặp gỡ, Đại tá, Giáo sư Phan Phác đã gọi đây là “Cuộc đấu trí bất ngờ” - tên gọi của cuốn sách.

Bạn đọc sẽ hết sức bất ngờ khi cầm trên tay cuốn sách “Cuộc đấu trí bất ngờ” này. Nhiều tư liệu vô cùng sống động về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tá Phan Phác nói riêng, cùng với đó là sự hình thành Quân đội nhân dân Việt Nam bước đầu chính quy thông qua các sự kiện: Bộ Tổng Tham mưu bước đầu thành lập; ngày khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (Trường Sĩ quan Lục quân 1 sau này); pháo binh trong Chiến dịch Hòa Bình; tiếp quản Thất Khê; Chiến dịch Biên Giới toàn thắng; Bác Hồ gặp các sĩ quan tù binh Pháp tại Chiến dịch Biên Giới (1950) hay quá trình hình thành ban đầu của Quân chủng Hải quân cùng Quân chủng Phòng không-Không quân...

Thông qua cuốn sách, bạn đọc được biết đến tên tuổi cùng đóng góp của Đại tá, Giáo sư Phan Phác, một trong những Quyền Tổng tham mưu phó đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh giao nhiệm vụ ngày 18-6-1949.

Cục trưởng Quân huấn Phan Phác (bên phải) báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (26-5-1946).

Từ Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân huấn (3-1946) đến Quyền Tổng tham mưu phó kiêm phụ trách Phòng Tác chiến (nay là Cục Tác chiến), Đại tá, Giáo sư Phan Phác luôn có mặt ở tuyến đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam những năm chiến đấu trong vòng vây của thực dân Pháp. Được làm việc gần Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái nhưng tác giả cuốn sách lại hết sức khiêm nhường. Vì vậy, ít người biết rằng ông đã từng giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong Quân đội nhân dân Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử ông làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân huấn (3-1946); Cố vấn Quân sự trong Phái đoàn Chính phủ tham dự Hội nghị Đà Lạt (4-1946); tổ chức chỉ đạo và trực tiếp huấn luyện quân sự tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa I (5-1946); huấn luyện quân sự tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa II & III; trực tiếp chỉ huy cán bộ và học viên nhà trường đánh chặn quân Pháp tiến công theo đường Đầm Hồng - Bản Thi vào cơ quan Trung ương và Chính phủ đóng tại An toàn khu Việt Bắc (10-1947); Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Chiến dịch Đông Bắc I (6-1948); đi Cao Bằng và Lạng Sơn nghiên cứu thực tế, chuẩn bị chiến trường cho Chiến dịch Biên Giới (3-1950/ 6-1950); Tham mưu phó Chiến dịch Biên Giới (7-1950/ 11-1950); Tham mưu phó Chiến dịch Trung du - tức Chiến dịch Trần Hưng Đạo (12-1950/ 2-1951); xây dựng Đại đoàn Công-Pháo (Công binh và Pháo binh) 351, giữ chức vụ Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Đại đoàn (5-1951); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu ký quyết định làm Giáo sư huấn luyện pháo binh, giảng viên Khoa Pháo binh và binh chủng hợp thành (10-1954/ 5-1955); Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh (6-1955/ 4-1959)…

Từ tháng 4-1959, Đại tá, Giáo sư Phan Phác chuyển ngành sang Bộ Nông nghiệp làm Cục trưởng Cục Công cụ và Cơ khí Nông nghiệp. Năm 1965 ông làm Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp cho đến khi nghỉ hưu (8-1976).

Đại tá, Giáo sư Phan Phác qua đời ngày 4-7-2009, tại Hà Nội, thọ 95 tuổi. Ông đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng: Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…

TOÀN KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.