Reuters dẫn lời gia đình Sinead O’Connor cho biết, gia đình vô cùng thương tiếc báo tin về sự ra đi của Sinead: "Chúng tôi rất đau buồn và mong được tôn trọng sự riêng tư trong thời điểm khó khăn này.”

leftcenterrightdel
 Sinead O'Connor trên sân khấu tại Phòng khiêu vũ Olympic năm 1988.  Ảnh: The Irish Times

Tuổi thơ bất hạnh

Sinead Marie Bernadette O'Connor sinh ngày 8-12-1966 tại vùng ngoại ô Glenageary giàu có của thủ đô Dublin, Ireland.

Năm lên tám, khi cha mẹ ly hôn, Sinead và hai trong số bốn anh chị em về sống cùng mẹ. Trong thời gian này, cô cùng anh chị em của mình bị mẹ lạm dụng thể xác. Đó chính là lý do cô gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần trong nhiều năm qua và cô luôn lên tiếng bênh vực những đứa trẻ bị lạm dụng.

Năm 15 tuổi, cô bị gửi đến trường giáo dưỡng dành cho nữ sinh và trường nội trú sau nhiều lần ăn cắp vặt. Nhưng cũng chính tại đây, tay trống ban nhạc In Tua Nua đã phát hiện ra tài năng âm nhạc của Sinead O’Connor sau khi nghe cô hát bài “Evergreen” của Barbra Streisand tại đám cưới của em gái mình. Sau đó, Sinead O’Connor được mời thu âm chung bài hát “Take My Hand”, nhưng ở tuổi 15, họ thấy cô còn quá trẻ và không phù hợp với ban nhạc của họ.

Giữa năm 1984, Sinead O’Connor gặp Colm Farrelly, người đã cùng cô thành lập ban nhạc có tên là Ton Ton Macoute. Đây là thời điểm đưa O’Connor bước vào ngành công nghiệp âm nhạc.

Dấu ấn để đời

Sinead O'Connor là một ca sĩ được biết đến với giọng ca đầy nội lực cùng khả năng sáng tác đặc biệt nói lên quan điểm của cô về chính trị, tâm linh, lịch sử và triết học. Album đầu tay “The Lion and the Cobra” (Sư tử và rắn hổ mang) của cô phát hành năm 1987 đã tạo tiếng vang lớn trong thị trường âm nhạc, mang về cho cô đề cử Grammy đầu tiên trong sự nghiệp ở hạng mục “Nữ ca sĩ trình diễn nhạc Rock xuất sắc”.

Tới đầu thập niên 90, Sinead O’Connor trở thành một hiện tượng âm nhạc sau khi ra mắt album thứ hai “I Do Not Want What I Haven't Got” (Tôi không muốn những điều tôi chưa có) với bản phối khí mới cho ca khúc “Nothing Compares 2 U” (Không gì có thể sánh được với anh). Đây là một bài hát do ca sĩ đình đám Prince sáng tác, phát hành trong dự án “The Family” (Gia đình) của anh năm 1985. Bản cover của Sinead O'Connor đã “công phá” nhiều bảng xếp hạng trên thế giới và đứng đầu bảng xếp hạng tại Ireland trong 11 tuần liên tiếp. Bản cover này cũng giúp cô nhận được 3 đề cử Grammy và được tạp chí Rolling Stone vinh danh là “Nghệ sĩ của năm” vào năm 1991.

Sau đó, Sinead O'Connor tiếp tục phát hành thêm 8 album nữa và được đề cử giải Grammy “Video âm nhạc hay nhất” với buổi hòa nhạc trực tiếp VHS “Year of the Horse” (Năm con ngựa).

leftcenterrightdel
Sinead O'Connor và cậu con trai Nevi’im Nesta Ali Shane O’Connor trong một bức ảnh đăng tải trên trang Twitter cá nhân của nữ ca sĩ. Ảnh: The Guardian

Đời tư nhiều tranh cãi

Thẳng thắn, bộc trực, đầu cạo trọc, ánh mắt sắc lạnh và phong cách phóng khoáng, đó là những từ ngữ người ta dùng để miêu tả Sinead O’Connor. Cô còn được nhiều người biết đến với những quan điểm thẳng thắn gây nhiều tranh cãi trong suốt sự nghiệp hoạt động âm nhạc của mình.

Năm 1992, Sinead O'Connor gây xôn xao khắp thế giới sau hành động xé toạc bức ảnh của Giáo hoàng John Paul II trên chương trình truyền hình “Saturday Night Live”, như một lời tuyên bố phản đối việc lạm dụng tình dục trong nhà thờ.

Dù từng nhận 4 đề cử Grammy năm 1991 nhưng nữ ca sĩ này cũng đã quyết định tẩy chay giải thưởng này vì cho rằng ban tổ chức đang thương mại hóa giải Grammy danh giá.

Năm 2013, Sinead viết một bức thư ngỏ, cảnh cáo Miley Cyrus rằng đừng để ngành giải trí âm nhạc biến cô thành “gái làng chơi” sau màn khoe thân táo bạo của Miley trong MV “Wrecking Ball” (Quả cầu kim loại lớn nối với xích sắt dùng để phá công trình xây dựng).

Về đời tư, Sinead O’Connor có 4 đời chồng và 4 người con. Cô được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn lưỡng cực và từng nhiều lần tự tử nhưng may mắn thoát chết. Năm 2021, danh ca người Ireland đã ra mắt cuốn hồi ký mang tên “Rememberings” (Hồi tưởng), kể về câu chuyện của chính mình “lớn lên trong gia đình tan vỡ, thời thơ ấu bị mẹ lạm dụng, những năm tháng đau khổ tại trường học, thói ăn cắp vặt, những bước đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc, thế giới tình dục và ma túy, danh tiếng trong làng nhạc, những cuộc chia tay và vấn đề sức khỏe tâm thần…”

Nhưng biến cố một lần nữa lại xảy đến với cô. Đầu năm 2022, cậu con trai 17 tuổi Shane O'Connor, là con của Sinead O'Connor với bạn trai cũ - nhạc sĩ dân gian Donal Lunny, chết tại khu vực Bray thuộc Wicklow (Ireland). Mới đây, trong một bài đăng trên Twitter, Sinead O'Connor chia sẻ: “Kể từ đó, tôi sống như một sinh vật bất tử trong bóng đêm. Thằng bé là tình yêu của đời tôi, là ngọn đèn của tâm hồn tôi”. Giọng ca “Nothing Compares 2 U” sau đó được tìm thấy trong trạng thái “không còn phản ứng” tại một ngôi nhà ở phía Đông Nam London. Cô ra đi chỉ sau cái chết của cậu con trai Shane 18 tháng. Nguyên nhân cái chết hiện vẫn chưa được tiết lộ. 

Dẫu trải qua một đời thăng trầm nhưng Sinead O’Connor vẫn luôn giữ tình yêu ca hát cháy bỏng đến những ngày cuối đời. Trong đầu tháng 7, cô đã lên kế hoạch lưu diễn ở Australia, New Zealand, châu Âu, Mỹ và các vùng lãnh thổ khác trong hai năm tới. Ngày 8-7, Sinead O’Connor đăng dòng trạng thái “Thật hạnh phúc khi được trở về nhà” trên Twitter thông báo rằng cô đã chuyển về London sống để thực hiện những dự định đang ấp ủ. Dòng trạng thái đăng kèm biểu tượng mặt cười này vô tình đã trở thành điểm kết khép lại cuộc đời đầy sóng gió của nữ danh ca tài năng. Cô ra đi để lại bao dự án âm nhạc còn dang dở cùng niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình và người hâm mộ.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.