Sức hấp dẫn từ vở diễn đã đưa đến kỳ vọng hiện thực hóa giấc mơ sân khấu nhạc kịch thiếu nhi mang đậm dấu ấn, văn hóa của người Việt.
Mượn tích truyện dân gian “Thằng Bờm”, “Giấc mơ của Bờm” kể về cậu bé Bờm mồ côi cha mẹ, gia cảnh nghèo khó nhưng ham học và có tấm lòng bao dung, lương thiện, bị lão phú ông mưu mô, ít học, thích khoe khoang, sống trịch thượng, cậy quyền uy hà hiếp.
Bằng trí thông minh nhạy bén, tấm lòng vị tha cùng sự giúp đỡ của những người bạn tốt, Bờm đã khiến phú ông nhận ra bài học thích đáng về lòng tham và sự gian ác của chính mình. Được xây dựng dựa trên cốt truyện dân gian hết sức quen thuộc với người Việt Nam nhiều thế hệ, vở diễn vẽ nên một bức tranh làng quê đầy màu sắc, yên bình với các bài hát, điệu múa, màn đối thoại vui nhộn, hài hước mang âm hưởng dân gian đương đại dành cho thiếu nhi.
 |
Cảnh trong vở nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm”.
|
Dàn dựng hấp dẫn, ngay sau khi công diễn, “Giấc mơ của Bờm” đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả nhí cũng như các bậc phụ huynh bởi ý nghĩa nhân văn, có tính giáo dục cao thông qua câu chuyện dân gian về cậu bé Bờm vốn đã rất thân thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Ánh Tuyết đã khéo léo khi xây dựng đa dạng tuyến nhân vật, nổi bật là tuyến nhân vật phản chiếu gồm cô bói và các bạn của Bờm. Họ là những nhân vật đại diện cho cái thiện, lòng bao dung, trắc ẩn.
Tiếng nói, lời thoại của họ xuất hiện gián tiếp làm nổi bật phẩm chất, giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân vật chính, đồng thời lên án, phê phán những thói hư, tật xấu, đi ngược lại đạo lý của nhân vật phản diện là phú ông và phú bà. Vở diễn cũng khai thác triệt để các chất liệu trong ca dao, dân ca, đồng dao; xây dựng lời thoại, âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn sân khấu kết hợp với các trò chơi dân gian phổ biến của Việt Nam bao đời nay như: Bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, nhảy dây, kéo cưa lừa xẻ, oẳn tù tì hay đánh trận giả... nhằm vẽ lên khung cảnh sinh hoạt, lao động ở làng quê đầy trực quan, sinh động.
Thông qua “Giấc mơ của Bờm”, các em nhỏ học được cách đối đáp, ứng xử, cả với điều đẹp và không đẹp trong cuộc sống.
“Giấc mơ của Bờm” là vở nhạc kịch thứ tư của Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng trong 3 năm trở lại đây. Trước đó là các vở: “Trại hoa vàng” lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; “Bầy chim thiên nga” của Andersen; “Rồi tôi sẽ lớn” của tác giả Chánh Văn.
Các vở diễn không chỉ biểu diễn tại sân khấu mà còn được mang đến với các em học sinh tại những trường học trên địa bàn TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác để các em có thể trực tiếp tương tác, thậm chí có thể hóa thân thành nhân vật và hiểu rõ hơn nhân vật này tại sao lại thế, câu chuyện này mang ý nghĩa như thế nào.
Với “Giấc mơ của Bờm”, tác giả âm nhạc của vở kịch-nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cho biết, cả ê kíp muốn bảo tồn và lưu giữ văn hóa truyền thống. Với mục tiêu như vậy nên văn hóa Việt được đưa vào đậm đặc trong vở diễn. Ở đó có ca dao, hò, vè, các làn điệu như hát ru, hát nói, xẩm, âm nhạc dân gian đương đại. Cũng theo nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, trong kho tàng văn học, nghệ thuật Việt Nam có rất nhiều tác phẩm có thể dàn dựng nhạc kịch thuần Việt cho thiếu nhi.
Tài năng và tâm huyết của các nghệ sĩ khá dồi dào để thực hiện được những dự án nhạc kịch dài hơi nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thiếu nhi, mang đến loại hình sân khấu hàn lâm cho khán giả nhí. “Hy vọng từ Dự án nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm”, các đơn vị nghệ thuật sân khấu sẽ sáng tạo nhiều hơn các tác phẩm nhạc kịch khác có sự đầu tư cho nhân vật nội, câu chuyện Việt, để giấc mơ sân khấu nhạc kịch Việt trở thành hiện thực, chắp cánh cho những khát khao, ước mơ trong trẻo của thiếu nhi”, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến bày tỏ.
Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.