Khi làm việc với ông Nguyễn Tiến Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, chúng tôi càng thấy tâm huyết và nguyện vọng của chính quyền và nhân dân khi thực hiện phục dựng hội đua thuyền trên đầm Dạ Trạch.

Theo truyền thuyết và các nguồn tư liệu lịch sử đáng tin cậy, Triệu Việt Vương - Triệu Vương - Triệu Quang Phục sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm hào trưởng, cha là Thái phó Triệu Túc, người huyện Chu Diên (huyện Khoái Châu ngày nay). Ông là người uy nghi, giỏi võ nghệ, từ sớm cùng cha theo Lý Nam Đế (Lý Bí) khởi nghĩa, lật đổ chính quyền đô hộ nhà Lương, giành độc lập, lập nên nước Vạn Xuân năm 544.

Triệu Việt Vương được ban chức Tả tướng quân. Cuộc kháng chiến chống quân Lương xâm lược kéo dài 5 năm (545 - 550) và chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu (545 - 546) do Lý Nam Đế chỉ huy; giai đoạn sau (547 - 550) do Triệu Quang Phục chỉ huy. Khi tổ chức các trận đánh quyết định với quân của Dương Sàn ở thành Long Biên, Triệu Việt Vương đã sử dụng đội thủy quân xuất quỷ nhập thần khiến binh tướng Dương Sàn liên tiếp bại trận, bản thân chủ tướng bị chém đầu, đất nước Vạn Xuân được khôi phục lại đúng như di nguyện của Lý Nam Đế.

leftcenterrightdel
 Tác giả trò chuyện với ông Nguyễn Tiến Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Dạ Trạch về việc đua thuyền đầm Dạ Trạch. Ảnh: MINH THU

Để tưởng nhớ công trạng người anh hùng dân tộc Triệu Quang Phục, nhiều nơi trên mảnh đất Hưng Yên đã xây dựng các đình, đền, chùa, miếu thờ phụng đức ngài. Các lễ hội dân gian mô tả các chiến công, thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Triệu Việt Vương đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của vùng đất xứ nhãn. Trên tinh thần đó, ý tưởng về phục dựng lại hội đua thuyền trên đầm Dạ Trạch được chính quyền và nhân dân rất quan tâm và bắt tay thực hiện.

Người tâm huyết nhất phải kể đến là ông Nguyễn Tiến Lộc đã trăn trở tìm hiểu từ các nguồn tư liệu lịch sử trong đó mấu chốt khi ông tiếp cận tiểu thuyết lịch sử Triệu Vương phục quốc của tôi - một người con quê Hưng Yên. Từ các trận chiến hào hùng của Triệu Việt Vương với đội chiến thuyền đánh bại quân xâm lược nhà Lương, từ các lễ hội trong dân gian từ nghìn năm trên mảnh đất Khoái Châu, nhất định trên đầm Dạ Trạch - vùng đất lịch sử phải có hội đua thuyền tưởng nhớ và tôn vinh những chiến công của Triệu Việt Vương.

Khi bắt tay vào thực hiện, chính quyền xã Dạ Trạch đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân trong vùng, nhất là nhân dân Dạ Trạch, nơi có nhiều di tích lịch sử thờ đức ngài Triệu Việt Vương.

leftcenterrightdel
 Các thành viên tham gia luyện tập đua thuyền trên cạn. Ảnh: MINH THU

Khi tiến hành thực hiện ý tưởng phục dựng hội đua thuyền, có hai vấn đề tưởng chừng khó khăn nhất, song đã diễn ra với thành công bước đầu chính từ sự giúp đỡ của nhân dân. Xã bạn Bình Minh - nơi thờ Đức thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung hằng năm vẫn tổ chức hội thi bơi chải trên sông Hồng, sử dụng loại thuyền hai mươi tay chèo khá phù hợp với việc thao luyện trên đầm Dạ Trạch đã đồng ý cho mượn thuyền để đội đua thuyền sử dụng.

Con người lấy ở đâu ra? Chính là từ nhân dân đã đồng thuận và tình nguyện tham gia thao luyện để tiến tới việc phục dựng huyện đua thuyền. Tiêu biểu phải kể đến các chị Nguyễn Thị Tuyển, Lê Thị Khám, Phạm Thị Thơ, Nguyễn Thị Hiệp, Nguyễn Thị Chút, Bùi Thị Yên, Hoàng Thị Lan, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Thắm, Ngô Thị Thơ và các anh Trần Văn Ký, Nguyễn Duy Tường, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Văn Tuấn, Hà Tài Dũng, Trần Xuân Hùng, Lê Văn Hậu, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Đình Doan...

Đội thao luyện đã dùng đầm Dạ Trạch, nơi xưa kia Triệu Việt Vương thao luyện binh thuyền và tổ chức phục binh đánh quân Lương làm nơi luyện tập. Vốn là những nông dân quen với việc đồng bãi, nhiều người còn theo các nghề tiểu thủ công nghiệp, đi làm ở các nơi, song ai nấy đều nhiệt tình và trách nhiệm nên rất ăn ý khi nắm chắc tay chèo nhịp nhàng trên sóng nước đầm Dạ Trạch. Sự cổ vũ tận tình của bà con làng xóm và các vùng lân cận khi nghe tin đã kéo đến rất đông chính là liều thuốc tinh thần để ai nấy hăng say luyện tập không biết mệt mỏi.

Các chi Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc xã vừa là thành viên vừa là người cổ động và trực tiếp tham gia càng khiến việc phục dựng lễ hội đua thuyền thêm thuận tiện. Lãnh đạo huyện Khoái Châu rất quan tâm, từng bước có sự chỉ đạo, động viên cả vật chất và tinh thần tới việc phục dựng hội đua thuyền nằm trong chương trình phát huy và phát triển các giá trị văn hóa tâm linh trên vùng đất Khoái Châu.

leftcenterrightdel

Các thành viên tham gia luyện tập đua thuyền ở đầm Dạ Trạch. Ảnh: MINH THU  

Hiện nay, UBND xã Dạ Trạch đã có báo cáo và tờ trình chi tiết về việc xin hỗ trợ kinh phí mua thuyền bơi chải để phục dựng lễ hội bơi chải Triệu Việt Vương. Chắc chắn rằng, với tầm nhìn và tâm huyết về phát huy và phát triển các giá trị văn hóa theo tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ II vừa qua, các cấp lãnh đạo huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên sẽ sớm có sự chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả để lễ hội bơi chải Triệu Việt Vương sớm được đưa vào phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong vùng.

Vùng đất Khoái Châu với nhiều khu di tích văn hóa lịch sử trong đó đậm đặc nhất là các di tích thờ đức thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung và đức vua Triệu Việt Vương - Triệu Quang Phục. "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta luôn được nhân dân ta gìn giữ, phát huy và phát triển. Các vùng đất bãi sông Hồng trong đó có vùng đất Dạ Trạch hôm nay, đời sống của bà con nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Có được điều đó chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và nhất là những nỗ lực phấn đấu bền bỉ của nhân dân. Đời sống vật chất của nhân dân đã được nâng lên thì đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân càng phải được chú trọng. Từ tâm huyết và tư duy ấy, các lễ hội truyền thống trong đó có lễ hội bơi chải Triệu Việt Vương trên vùng đất Dạ Trạch là rất giàu ý nghĩa văn hóa, lịch sử và giáo dục truyền thống, đồng thời có sức hấp dẫn lớn để phát triển du lịch liên thông với các vùng đất khác.

leftcenterrightdel
 Các thành viên tham gia đua thuyền tại đầm Dạ Trạch. Ảnh: MINH THU 

Ngắm nhìn những gương mặt đẫm mồ hôi của các chị, các anh trên sóng nước đầm Dạ Trạch, những mái chèo cuộn nước tung bọt trắng xóa, tiếng hò reo vang dội hai bên bờ đầm, những nhịp trống đổ dồn như trống trận càng cho thấy sức dân, sức nước thật vững vàng ở mỗi vùng đất trong công cuộc đổi mới hôm nay. Những gương mặt tươi tắn hoa cười rạng rỡ như đang góp vào mùa xuân đất nước vô số mạch nguồn róc rách tạo khối kết đoàn hòa ra biển lớn mênh mông.

Một mùa xuân mới đang về phấp phới muôn sắc hoa sóng sánh. Các vùng đất trên mảnh đất Hưng Yên, đất thuần nông đang chuyển mình với vô số thực vật, cây cối, hoa trái, khoe sắc vóc, trí tuệ và bàn tay khéo léo, cần cù, sáng tạo của mỗi người con xứ nhãn lồng dâng tặng con người, dâng tặng đất trời những sản phẩm vật chất và tinh thần hữu ích. Sản vật, cỏ cây, hoa trái cũng như người đều mang hồn cốt, dáng vẻ thanh tao, sống động, thiết thực và gần gũi vô cùng.

Trong sóng nước mênh mang đầm Dạ Trạch buổi đầu xuân mới, nhìn những bóng thuyền lướt như bay trên mặt đầm trong tiếng hò reo vang động, ta như nghe thấy tiếng thủy quân của Triệu Quang Phục - Triệu Việt Vương hò reo xung trận đánh đuổi giặc ngoại xâm khôi phục lại nhà nước Vạn Xuân đã hơn 1.000 năm.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.