Bao vui buồn đã qua đi, bao điều dùng dằng tiếc nuối còn vương vấn trong mỗi tâm hồn tạo nên từng đợt sóng bâng khuâng. Từ niềm tha thiết ấy, những vần thơ vang lên như nhắc mỗi chúng ta hãy bước chậm hơn, sống chậm hơn và ngẫm ngợi thấu suốt hơn để thêm trân quý những tháng ngày đã qua, rồi cùng ấp ủ, nâng niu những tin yêu, hy vọng sắp tới. Đó cũng là nguyên cớ khiến nhiều văn nghệ sĩ cảm tác nên những tác phẩm đong đầy ý xuân, tình xuân.

Bài thơ “Khoảnh khắc cuối năm” của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ là một tác phẩm như thế.

Từ cổ chí kim, các thi sĩ danh tiếng dường như không ai không có một đôi câu, đôi bài về mùa xuân. Thơ xuân vừa là cảm xúc, vừa chỉ ra quy luật của trời đất và con người đúc kết thành những lời vang vọng thấu thời gian, không gian. Nhịp thơ mùa xuân cũng dường như chảy mãi, tươi mãi cho tới tận sau này, tầng tầng lớp lớp, mỗi tác giả lại mang đến những nét chấm phá riêng, giọng điệu riêng, hòa vào nhịp rộn ràng vui chung của quê hương, đất nước.

“Năm đã hết mọi buồn vui khép lại/ Phút giao thừa rạo rực một mùa sang/ Bao cảm xúc đong đầy ngày tháng/ Ta thảnh thơi trong phút cuối xuân ơi”. Nhà thơ chọn cách mở đầu tác phẩm thật mộc mạc, như cách chúng ta mở một cánh cửa nhìn ra khung trời mênh mông, cao rộng ngoài kia để nhận ra những xáo trộn, đổi thay đã trôi về phía thinh không trong nhịp vô thường.

Tất bật, bộn bề cả năm, cho tới giờ khắc ấy, lòng người lại trào dâng bồi hồi, nhung nhớ khi nhớ về gia đình, cha mẹ, quê hương; lại quặn thắt trong nỗi khát khao Tết sẽ khởi lên những cuộc trở về dù là trong tâm tưởng. Bởi vậy, tự bao đời, phút giao thừa mang đến niềm rạo rực, hân hoan trong giờ khắc chuyển giao năm cũ - năm mới, đông cũ - xuân ngời. Không dừng lại ở sự chuyển giao của thời gian, không gian, thiên nhiên… mà lòng người cũng nhưng trang sách mới mở ra niềm nghĩ ngợi, diệu vợi, chờ mong... Người ta có thể nghĩ cho nhau, vì nhau, sẵn sàng bao dung ở khoảnh khắc diệu kỳ ấy. Hai câu thơ tiếp theo nhắc nhớ hành trình ngày tháng đã qua với đủ cung bậc của đời sống, cảm xúc, để rồi trạng thái thảnh thơi được nhóm lên trong phút cuối cùng của năm cũ, khi nàng xuân gõ cửa.

Nếu khổ thơ đầu như cánh cửa hai chiều để ta nhìn về năm cũ, đón năm mới sang thì tác giả đã tinh tế mang đến một nhịp chuyển đầy sức sống, nhân văn ở khổ thơ kế tiếp: “Xin gửi lời chúc đến muôn nơi/ Tình thân mến và người vừa chưa quen biết/ Hãy bỏ lại phía sau bao ưu phiền ganh ghét/ Cho hồn tràn xuân mới với muôn hoa”. Những câu thơ vang lên vừa như lời chúc, vừa như thông điệp lan tỏa tới mọi người với mạch nguồn bao dung sâu thẳm. Không chỉ là lời chúc cho gia đình, người thân, bằng hữu mà là một lời chúc bao la tới muôn nơi; là tình thân mến với cả những người chưa quen biết; là lòng vị tha đủ lớn để vượt qua mọi ưu phiền, ganh ghét… Có như vậy tâm hồn ta mới ngập tràn tinh thần xuân bằng vẻ đẹp của muôn hoa, của hương thơm, sắc màu rộn rã. Hẳn có người chộn rộn, hối hả sợ mình không đủ thời gian, lại cũng có những người chậm rãi, như sợ một điều gì đó trôi qua, vuột mất… như một kẻ vấn vương muốn níu lại chút gì... Rồi không ai tránh được quy luật của con tạo xoay vần, từng vần thơ nhắc ta: Quan trọng không phải là mình đã làm được gì, đánh mất những gì… mà khi nhìn lại một chặng đường, mình còn cảm thấy hối tiếc điều gì không? Sẽ bước tiếp hành trình cuộc sống trong tâm thế ra sao?

leftcenterrightdel
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ.

Vẫn trong nhịp thơ chậm rãi, giàu chiêm nghiệm, thi sĩ tiếp tục mang đến niềm thấm thía, xúc động với thông điệp của giá trị gửi trao để cùng vun đắp cho mùa xuân hy vọng: “Hãy sống tận cùng hương vị của thịt da/ Tình thương lớn cho đất trời hòa hợp/ Hãy quên đi mọi thăng trầm bầm dập/ Để mùa thơm nắng mới đong đầy”. Chân thành, ấm áp nhưng cách diễn đạt thật sâu sắc và mới lạ. Lời nhắc nhớ “sống tận cùng hương vị của thịt da” mang đến cho người đọc thật nhiều liên tưởng. Hương vị thịt da vốn thấm đượm thăng trầm và hạnh phúc của cuộc đời. Cùng ở khổ thơ này, tác giả đưa ra một định nghĩa về sự hòa hợp của đất trời chính bằng “tình thương lớn”. Điều đó thể hiện lối nghĩ đầy nhân văn, sâu nặng, ân tình. Là tình thương chứ không dừng lại ở rung động, tình yêu hay sự kết nối đơn thuần.

Áng thơ tiếp tục mở ra chân trời biếc xanh đầy lạc quan: “Xin chào nhé cuộc phong trần được mất/ Phía chân trời ngày mới đón đợi ta/ Hơn mọi thứ sự sống là tất cả/ Người yêu người xuân mới đơm hoa”. Ở đây, đã có sự thay đổi về nhịp thơ. Từ sự chậm rãi, ngấm sâu dư vị, nhịp chuyển thúc giục hơn, hối hả hơn trong lời chào đầy kiêu hãnh mà cũng đầy tri ân của tác giả cho “cuộc phong trần được mất”.

“Hơn mọi thứ sự sống là tất cả/ Người yêu người xuân mới đơm hoa” - hai câu thơ với kết cấu như câu danh ngôn cô đọng triết lý cuộc đời, ngợi ca sự sống, và sự sống ấy luôn được bắt nguồn từ tình yêu lớn của con người với con người, con người với cuộc đời. Thiếu tình yêu thương, sự sống trên cõi đời này không thể tồn tại, không có lý do để tiếp nối. Song, để nắm bắt và diễn đạt ý này, tác giả hẳn buộc phải nhiều trải nghiệm, phải cận kề những phút sinh ly tử biệt. Và trên thực tế, tôi cũng biết rằng, năm qua, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ cũng phải đối diện với nhiều buồn đau, phải cúi đầu tiễn đưa người cha đáng kính, còn mẹ anh đang gắng gượng trong từng hơi thở ở cái tuổi mà dân gian vẫn hát câu da diết “mẹ già như chuối chín cây”…

Bài thơ khép lại trong cảm hứng viên mãn và vang vọng dư âm như dụng ý tác giả muốn gửi gắm tới tất thảy mọi người, mọi miền quê, mọi vùng đất giá trị của khúc ca đoàn tụ, sum vầy: “Khoảnh khắc cuối cùng trời đất giao thoa/ Lòng yên ả trong sum vầy hạnh phúc/ Nén hương thắp trên ban thờ thành kính/ Ngọn nến hồng ấm sáng những tình thương”. Không phải ngẫu nhiên, cánh cửa mở đầu và khép lại bài thơ đều nhắc về khoảnh khắc giao hòa. Đó như chiếc chìa khóa, như kim chỉ nam mang đến cho đời sống con người niềm tin yêu, hy vọng. Trời đất giao hòa trong mong ước, sự thay đổi và mong mỏi của con người.

Như bao tác phẩm khác, “Khoảnh khắc cuối năm” của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ mang đến thông điệp tích cực, nhân văn, đánh thức niềm tin yêu, hy vọng trong khoảnh khắc chuyển giao đầy kỳ diệu của không gian, thời gian và tâm hồn con người. Nhà thơ viết cho mình, cũng là viết cho cuộc đời một trang mới đầy hoài bão, khát vọng. Tôi luôn tin trạng thái bước tiếp tới ngày mai tươi sáng ấy sẽ luôn tỏa ra năng lượng dồi dào, lấp lánh cho cả cuộc sống thường nhật và sáng tạo. 

THANH KHÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.