Mùa nước nổi (từ tháng 7 đến cuối tháng 11 hàng năm), sắc xanh của rừng tràm ngập nước Trà Sư càng trở nên đong đầy, viên mãn. Bơi xuồng len lỏi dưới chân rừng, trong mắt du khách, màu xanh luôn mở ra, bất tận…
Nằm trên địa bàn xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), với địa hình ngập nước quanh năm, rừng tràm Trà Sư được cho là sở hữu hệ sinh thái độc đáo, tiêu biểu cho khu vực phía tây sông Hậu.
Tham quan, trải nghiệm rừng tràm Trà Sư là loại hình du lịch tuy mới phát triển trong những năm gần đây nhưng đã tạo được ấn tượng trong lòng du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài…
Rừng tràm Trà Sư có tổng diện tích hơn 950ha, trong đó có 845ha rừng đặc dụng được xếp vào hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Nằm trên trục du lịch liên hoàn từ Long Xuyên - Châu Đốc - Tịnh Biên - Tri Tôn (tỉnh An Giang) đến Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) và sang nước bạn Campuchia, mỗi ngày rừng tràm Trà Sư đều có khách du lịch nước ngoài tới tham quan.
Mặt nước phủ kín bèo xanh và các loài thủy sinh là một trong những nét đặc trưng của rừng tràm ngập nước.
Sen mọc hoang dã khắp nơi.
Chim le le ngày nay hầu như vắng bóng trong môi trường tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chim trích cồ dạn dĩ trước mắt du khách.
Theo thống kê, rừng tràm Trà Sư là nơi trú ngụ của hơn 70 loài chim. Trong ảnh, chim điên điển cổ rắn đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.
Không chỉ thu hút khách du lịch, rừng tràm Trà Sư còn dành được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học.
HỒNG ĐĂNG (thực hiện)