“Vũ ơi đi thôi! Nghĩ ngợi gì vậy?”. Cậu bạn Thành vỗ nhẹ vai tôi giục bước. “Để ngớt chút đã, trời mưa này liệu có ai đến trường?”- Tôi hỏi lại. Thành động viên: “Cứ đi thôi, các bạn đã í ới trên nhóm rồi. Mưa ngồi ôn lại kỷ niệm mới vui!”. Chúng tôi đi trên con đường mưa giăng mà tâm tưởng cứ chơi vơi theo bao suy nghĩ. Đây cung đường đến trường in dấu những vòng xe đạp quay. Bao nắng mưa những cô cậu học trò cứ ríu rít đạp xe đến trường mà chẳng sai hẹn bao giờ.

Mái trường xưa là nơi các thế hệ cựu học sinh trở về gặp mặt. Ảnh: NAM KHÔI 

Lớp chúng tôi ngày đó ở khu dãy nhà cổ nằm dưới tán xà cừ tỏa bóng. Nhà xây từ khi nào chúng tôi không được rõ. Chỉ biết các thầy nói dãy nhà có từ xưa, rất xưa. Đây là ngôi trường cấp ba đầu tiên ở miền Bắc. Còn xa nữa có gốc tích là trường Tiểu học Pháp-Việt. Hiện hữu giữa khuôn viên rợp bóng cổ thụ có tấm bia cổ đặt trong lầu tám mái khắc ghi những nét son lịch sử của nhà trường. Những năm chiến tranh trường phải di tản vào khu dân cư, rồi trú nhờ trong chùa làng. Thầy giáo tạm xa trang giáo án cầm súng chiến đấu. Học sinh rời ghế nhà trường cũng tình nguyện tòng quân. Có câu chuyện cảm động được kể lại, thầy trò gặp nhau giữa mưa bom, bão đạn đã gọi nhau bằng đồng chí. Vậy mà ngày về bỗng bặt tin nhau!

Dãy nhà cổ có vẻ hợp với lớp chọn văn chúng tôi. Đó là một khu khá yên tĩnh, tường rêu mốc bởi bao bận nắng mưa, mái ngói nâu trầm, hành lang dài heo hút, khoảng sân trước rợp bóng cây. Những cô cậu học trò với tâm hồn bay bổng, mộng mơ được thả hồn vào những trang thơ, áng văn, tùy bút qua lời giảng của cô giáo. Có những vần thơ thật xúc cảm để tả khung cảnh nơi lớp tôi học: “Ngoài sân phượng mơ màng/ Chú chích chòe lưu luyến/ Cô giảng bài “Nguyễn Khuyến”/ Câu thơ đằm nắng thu”.

Ngày hội trường, chúng tôi được gặp lại cô chủ nhiệm. Vẫn giọng nói ấy, vẫn dáng hình ấy, cô bước vào lớp như đem theo cả khung trời kỷ niệm trở về. Giờ học sáng nay không có bụi phấn bay bay, không có câu thơ cô đọc, chẳng có tiết kiểm tra bài. Cô nhìn quanh lớp học để tìm lại những gương mặt thân quen. Lời cô nghẹn lại: “Thời gian có thể xóa nhòa rất nhiều thứ, có thể làm thay đổi gương mặt của cô và các em. Rất nhiều năm rồi khi hồi tưởng lại sự nghiệp, cô vẫn nghĩ rằng trên dòng sông ấy, lớp mình vẫn là một con đò mà cô gửi gắm thật nhiều kỷ niệm và tình cảm”. Nghe những lời cô tâm sự cả lớp lặng đi. Những giọt nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Đúng! Thời gian có làm tóc cô thêm đôi sợi bạc, dáng hình, khuôn mặt chúng tôi có đổi thay nhưng ngày gặp lại tình cô trò vẫn thân quý đong đầy như thuở nào. Cô vẫn nhớ từng cái tên, nét chữ, tính cách của mọi người. Chỉ có vậy thôi đủ hiểu phải gắn bó, phải yêu thương và sâu nặng đến thế nào!

Tuổi xuân ngang qua mỗi người thật may mắn và hạnh phúc biết bao khi đến trường được cô thương, bạn mến. Xúc động làm sao khi giữa dòng đời xuôi ngược, lớp chúng tôi có một bến đỗ để trở về neo lại. Nơi ấy cô vẫn đứng đợi chờ và gửi gắm bao điều thân thương. Bạn bè thăm lại trường xưa ký ức ùa về. Trong miên man nỗi nhớ, bất giác trong tôi ngân lên những lời nhắn nhủ da diết như nói hộ lòng mình: Năm xưa đây chỗ bạn ngồi, năm nay bạn lại cùng tôi hội trường, nhắn ai ai nhắn người thương, một ngôi trường cũ còn vương vấn lòng…

Tản văn của THƯỜNG TÍN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.