Sẽ thật trọn vẹn nếu NSNA Võ An Khánh có mặt tại lễ trao tặng giải thưởng trọng thể, vinh danh những khoảnh khắc thời hoa lửa mà ông để lại đã trở thành di sản của nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.

NSNA Võ An Khánh cả đời gắn bó với vùng đất Cà Mau-Bạc Liêu (trước đây là tỉnh Minh Hải), đặc biệt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, ông đã ghi lại hàng nghìn bức ảnh. Một số tác phẩm trong số đó được giới chuyên môn đánh giá là vô cùng đặc sắc của nhiếp ảnh chiến trường Việt Nam. Bức ảnh “Trạm quân y dã chiến” chụp một trạm quân y ngập nước ngay giữa lòng U Minh Hạ (1970). Giữa khung cảnh rừng đước hoang dại, các bác sĩ dầm mình trong bùn nước thực hiện ca mổ giành lại sự sống cho thương binh. Góc chụp, ánh sáng tạo ra sự mờ ảo, chất thơ hiếm có ở ảnh chiến trường.

“Đó là một trong những bức ảnh giá trị nhất của phóng viên chiến trường; thậm chí xúc động hơn cả bức ảnh chụp nhóm bác sĩ quân y Mỹ hồi năm 1943 của bậc thầy ảnh phóng sự chiến trường Robert Capa”, nhà phê bình nhiếp ảnh Margarette Loke của Báo The New York Times (Mỹ) nhận xét. Tác phẩm “Lớp học tập chánh trị nghiệp vụ” với các nhân vật đeo mặt nạ để che giấu danh tính phòng trường hợp bị địch bắt thẩm vấn, tạo dựng được vẻ đẹp siêu thực trong hiện thực là điều mà các nhà phê bình nhiếp ảnh đến tận ngày nay vẫn ngạc nhiên với tài năng của Võ An Khánh.

leftcenterrightdel
Bức ảnh “Kiện tướng chiến hào Dương Thị Cẩm Vân, người đã liên tục 6 tháng liền bám hào bao vây đánh địch tại chi khu Đầm Dơi-Cà Mau (tháng 6-1966)”-thuộc bộ ảnh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: VÕ AN KHÁNH

Càng đáng ngạc nhiên hơn nếu tìm hiểu tiểu sử, ông không được đào tạo nhiếp ảnh bài bản mà tự học thông qua làm thuê tại hiệu ảnh. 15 năm cầm máy tại chiến trường, trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, khó khăn gian khổ, sự sống và cái chết chỉ cách trong gang tấc, ông luôn bám sát các lực lượng vũ trang, chọn những khoảnh khắc giàu cảm xúc để ghi lại hình ảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ giữa rừng U Minh. Sự dấn thân này xuất phát từ phẩm chất nghệ sĩ-chiến sĩ, từ tâm niệm cống hiến cho cách mạng, phục vụ nhân dân như ông từng chia sẻ: “Tôi được trở thành một nhà báo, nghệ sĩ như ngày nay là nhờ Đảng. Đảng như “một người cha, người mẹ” đã nuôi dạy, giáo dục tôi lòng tin và sức sống mãnh liệt. Điều thứ hai là nhờ sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào. Ơn nghĩa đó đời đời tôi không thể quên được”.

Khi xem bộ ảnh “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022, người xem thật sự bị lôi cuốn vào các cung bậc cảm xúc, từ xót xa, thương cảm, ngưỡng vọng, khâm phục rồi tựu trung thành niềm tự hào đối với phụ nữ Việt Nam ta, dân tộc ta. Điều này đã được Võ An Khánh giới thiệu: “Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cam go, ác liệt cho đến ngày chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta có sự đóng góp to lớn cả công sức lẫn máu xương của tầng lớp phụ nữ. Họ là hậu phương vững chắc, là trụ cột gánh vác mọi việc lớn nhỏ của gia đình để những người cha, người chồng và con yên tâm công tác, chiến đấu... Họ đã hóa thành dáng đứng Việt Nam xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang” mà Bác Hồ đã dành tặng”.

Xúc động khi thay người cha thân yêu nhận giải thưởng cao quý, ông Võ Duy Lễ, con trai NSNA Võ An Khánh chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Tôi có mang theo một chiếc áo của ba tôi để xem như là ông đang có mặt ở đây nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng. Qua đây tôi cũng đại diện gia đình rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ghi nhận những đóng góp của ba tôi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và một đời say mê lao động, sáng tạo nhiếp ảnh...”.

NSNA Võ An Khánh (1936-2023) tên thật là Võ Nguyên Nhân. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở ấp Rạch Lùm, xã Khánh Hưng A, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Năm 17 tuổi, ông giác ngộ và thoát ly theo cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông công tác tại Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ. Sau năm 1975, ông là Phó trưởng ty Văn hóa-Thông tin tỉnh Minh Hải, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Minh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Hội NSNA Việt Nam khóa II.

Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước với các tác phẩm: “Trạm quân y dã chiến”, “Phóng lựu đạn vào đồn địch-một phát minh độc đáo của chiến tranh nhân dân”, “Hàng vạn nhân dân 3 xã Trần Thới, Phú Mỹ, Tân Hưng Đông biểu tình tuần hành ủng hộ bản tuyên bố 8 điểm với thiện chí hòa bình của đoàn đại biểu ta tại Hội đàm Paris”. Năm 2022, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với bộ ảnh (10 ảnh) “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang”.

 HÀM ĐAN