Ngược dòng lịch sử, cuối năm 1946, để chuẩn bị kháng chiến lâu dài, Đảng ta chủ trương điều động những thầy thuốc giỏi vào bổ sung cho chiến trường và thành lập Ban Quân-dân y Khu 5. Thực hiện sứ mệnh lịch sử, những người thầy thuốc Ban Quân-dân y Khu 5 vừa tận tâm, tận lực thực hiện sứ mệnh cứu người, vừa dũng cảm cầm súng chiến đấu bảo vệ thương binh, đồng đội, nhân dân.
Trên chiến trường ác liệt, giữa khó khăn, thiếu thốn và sự hy sinh, mất mát, cán bộ, nhân viên Ban Quân-dân y Khu 5 luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
 |
Cán bộ, hội viên Hội truyền thống Ban Dân y Khu 5 và các thầy thuốc trẻ Bệnh viện Đà Nẵng tham quan bia chứng tích Trường Dược Khu 5 (Nam Trà My, Quảng Nam). |
Khi đế quốc Mỹ đổ quân xâm lược Việt Nam, các trận đánh lớn của ta liên tục nổ ra trên khắp các chiến trường, gây cho chúng rất nhiều thương vong, tổn thất. Giữa bom rơi đạn nổ, vật tư trang bị khan hiếm, số thương binh, bệnh binh ngày một tăng thêm. Để bảo đảm an toàn, các bệnh xá đều được xây dựng tại các khu vực bí mật, có hệ thống công sự, hầm hào, đủ khả năng cho thương binh, bệnh binh trú ẩn.
Số giường bệnh của các bệnh xá cũng tăng từ 30, 40 giường lên 100, 150 giường. Mỗi tỉnh đều có 2-3 bệnh xá, riêng Quảng Ngãi, Bình Định có đến 5 bệnh xá. Trong hầm tối, giữa rừng sâu, những ca mổ “sống”, những lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cấp tốc theo phương châm “cần gì học nấy”, “thà yếu hơn thiếu” vẫn lần lượt được tổ chức, kịp thời bổ sung cho chiến trường hàng trăm y tá, dược sĩ có chuyên môn, trình độ tốt.
Theo yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, tháng 5-1962, Ban Quân-dân y Khu 5 tách thành hai hệ thống: Ban Dân y Khu 5 và Ban Quân y Khu 5. Tuy tách rời song các lực lượng vẫn thường xuyên gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cả về nhân lực và vật lực để cùng chữa bệnh, cứu người và nghiên cứu, pha chế, sản xuất các loại dược liệu, vật tư y tế... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ví như, các cán bộ, nhân viên Ban Dân y Khu 5 chỉ với các phương tiện, trang bị thô sơ như cối đá, nong nia, giần sàng, thùng phun, nồi nước cất, cây cỏ tự nhiên, các cán bộ dược đã mày mò, nghiên cứu sản xuất được hàng nghìn lít cồn y tế, hàng vạn cuộn băng và rất nhiều thuốc uống, dịch truyền, novocain tiêm...; xưởng thủy tinh thuộc Ban Dân y Khu 5 là cơ sở duy nhất trên chiến trường miền Trung và miền Nam có thể sản xuất được các loại ống thủy tinh dung tích nhỏ, từ 1 đến 10ml. Sau Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, kẻ địch khủng bố, đàn áp dã man ở khắp nơi.
Thuốc men, vật tư y tế khan hiếm khiến công tác điều trị, cứu chữa thương binh, bệnh binh gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách. Trước tình hình ấy, các thầy thuốc đã bất chấp hiểm nguy, chia nhau tỏa đi khắp nơi tìm kiếm nguồn dược liệu về chiết xuất, bào chế thuốc. Sau nhiều ngày băng rừng, lội suối, kỹ sư thực vật Vũ Đức Minh, Tổ trưởng Tổ dược liệu, Ban Dân y Khu 5 đã lên được đỉnh núi Ngọc Linh (thuộc địa phận tỉnh Kon Tum) và phát hiện ra loài sâm đốt trúc, tức cây sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu quý, giúp hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của ta vượt qua bệnh tật, tiếp tục đứng lên cầm súng chiến đấu và giành chiến thắng.
Trong cuộc trường chinh vĩ đại chống đế quốc, thực dân, đã có hàng nghìn tấm gương thầy thuốc anh dũng chiến đấu, hy sinh hoặc bị thương, bị địch bắt, tù đày, tra tấn dã man, song họ luôn giữ vững khí tiết cách mạng. Gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước im tiếng súng, tấm gương dũng cảm, hy sinh của Tổ trưởng Tổ dược liệu, kỹ sư thực vật Vũ Đức Minh, dược sĩ Huỳnh Trượng, dược tá Nguyễn Bình (Ban Dân y tỉnh Bình Định); liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nguyên Bệnh xá trưởng Bệnh xá Đức Phổ (Quảng Ngãi); liệt sĩ, nhân viên Phòng Vệ sinh dịch tễ Nguyễn Văn Thêm, Nguyễn Thanh Sơn và hàng nghìn liệt sĩ khác là các thầy thuốc, nhân viên y tế của Khu 5... vẫn được mọi người nhắc đến với tất cả sự kính trọng, tiếc thương.
Đầu năm 1976, Ban Dân y Khu 5 chính thức giải thể. Trở về cuộc sống đời thường, có người phục viên, chuyển ngành, có người tiếp tục gắn bó với nghề y, trở thành Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành, giám đốc các công ty, doanh nghiệp, cơ quan... Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh, song họ luôn hướng về nhau với tất cả sự thương yêu, quý mến, chân thành.
Với bản lĩnh, nghị lực của người thầy thuốc được tôi rèn trong lửa đạn chiến tranh, nay tuy tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước, song họ vẫn không ngừng phấn đấu, vươn lên, góp sức xây đời, là tấm gương sáng để con cháu học tập, noi theo.
Bài và ảnh: AN KHANG