Nhưng với văn học Việt Nam, một đất nước từng có thời kỳ trên 90% dân số là nông dân; sau nhiều đổi thay, đất nước đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện vẫn còn khoảng 65% dân số sống ở nông thôn, thì đề tài “tam nông” (nông dân, nông thôn, nông nghiệp) không thể không nói đến.

Trên mảng đề tài này, văn học đã có nhiều thành tựu lớn. Chỉ tính từ khi có chữ quốc ngữ, những trang văn viết về người nông dân của các nhà văn như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... đã để lại dấu ấn đậm trong lòng bạn đọc. Những nhân vật như Chí Phèo, anh Pha, chị Dậu, lão Hạc;... những truyện ngắn “Vợ nhặt”, “Đôi mắt”, tiểu thuyết “Con trâu” đã làm say mê bao thế hệ độc giả. Sang thời kỳ đổi mới, không thể không kể đến các tác phẩm “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Ma làng” của Trịnh Thanh Phong, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Bí thư tỉnh ủy” của Vân Thảo...

Nhiều nhân vật nông dân đã trở thành biểu trưng cho người dân một thời kỳ chuyển mình của đất nước. Anh chàng Giang Minh Sài trong “Thời xa vắng” của Lê Lựu có dáng dấp ấy. Nhiều tác phẩm viết về nông thôn đã trở thành đặc trưng của loại hình văn học đương đại. Tiểu thuyết “Hủi rừng” rồi “Ông Mãnh về làng” tiếp nối “Ma làng” là dạng tiểu thuyết nối tiểu thuyết của Trịnh Thanh Phong đã rất thành công. Như thế, có thể khẳng định, đây là đề tài lớn của văn học Việt Nam, đóng góp nhiều thành tựu về tác phẩm, tác giả cho nền văn học nước nhà.

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim "Thời xa vắng" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu.Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

Có được những thành công trong văn học “tam nông” phải chăng vì nước ta là nước nông nghiệp, có độ sâu và chiều dài của văn minh, văn hóa đặc trưng, giúp cho nhà văn và bạn đọc có một cái “phông” đủ kích cỡ sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm văn học về đề tài này. Văn học đề tài “tam nông” có lúc là “chủ âm”, là mạch chính trong các sáng tác của văn nhân nước ta.

Ngay cả thời điểm hiện nay dù dịch vụ, công nghiệp có tăng trưởng ấn tượng nhưng cơ bản nước ta vẫn là nước nông nghiệp. Nông nghiệp vẫn giữ sự an toàn cho đời sống con người. Chưa kể, nông thôn muôn đời vẫn là hậu phương lớn cho một đất nước luôn phải đối đầu với nguy cơ thiên tai, địch họa như nước ta.

Những tháng ngày gần đây, khi đại dịch Covid-19 quật đi quật lại, người dân Việt Nam vẫn có số đông làm nông nghiệp, vẫn phải bám trụ ở nông thôn. Khi cuộc sống nơi đô thị bị bung lở, nơi an toàn nhất vẫn là nông thôn. Chính vì vậy, các vấn đề của con người, kinh tế xã hội Việt Nam, những điều tốt đẹp và không tốt đẹp, những gắn bó và những mâu thuẫn... có thể nhìn thấy ở nông thôn và ở người nông dân qua hoạt động nông nghiệp. Có thể nói nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế, nông thôn vẫn là cứu cánh khi bão táp nổi lên ở các vùng miền khác. Và nông dân vẫn là tính cách căn cốt của phần đông người Việt, có chăng chỉ ở những cung bậc, tầng nấc khác mà thôi.

Đây không phải là một mảnh đất đầy tiềm năng để các nhà văn khai thác sao?

Nhưng khoảng hơn hai chục năm gần đây, văn học về “tam nông” có chiều hướng chững lại. Ít người viết về nó, ít có các tác phẩm hay về nó.

Lý giải về điều này, nhiều nhà nghiên cứu và chính các nhà văn đã nhận định: Do nhà văn ít quan tâm, thiếu vốn sống, thiếu hiểu biết về nông thôn, nông dân và đặc biệt về nông nghiệp. Phải chăng đề tài đương đại, thị trường, đô thị hấp dẫn hơn, người viết và tác phẩm dễ nổi tiếng hơn? Viết về "tam nông" khó hay vì đã nhiều người viết đã có thành tựu, người sau viết dễ bị “ngợp”. Đấy là chưa kể nông thôn ngày nay với bao hệ lụy của chuyển đổi cơ chế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những mặt trái liên quan đến đời sống nông dân rất dễ dẫn đến sự hiểu lầm. Đó phải chăng là nguyên nhân dẫn đến sự né tránh đề tài này?

Một thực tế nữa là bạn đọc trẻ cũng không mặn mà với những chuyện ở nông thôn và nông dân. Vì họ không được trải nghiệm cuộc sống ấy, họ lại được tiếp cận với muôn vàn thông tin và văn chương mới lạ từ nước ngoài tràn về...

Những lý do trên phần nào lý giải về sự chững lại của văn học đề tài “tam nông”. Riêng người viết bài này thì thấy rằng, dù viết về sự bứt phá hay sự suy thoái của nông nghiệp, viết về sự đổi mới, phát triển hay sự tha hóa của nông thôn, vấn đề cơ bản nhất của tác phẩm văn học “tam nông” là phải phản ánh số phận của con người, ở đây là số phận người nông dân. Nhưng hình như các nhà văn chưa “chộp” được cái “nhân” cơ bản này!

Thân phận người nông dân Việt Nam trong những năm qua, rồi thời kinh tế hội nhập hôm nay sẽ như thế nào? Hình hài của số phận con người chưa được định hình thì mọi sự viết chỉ là miêu tả cuộc sống hay minh họa cho những chủ trương mà thôi. Lại nữa, cách nhìn và đánh giá về sự sáng tạo của nhà văn ở bạn đọc cũng cần cởi mở hơn. Để có những trang văn về “tam nông” hôm nay, trí não của nhà văn phải vận dụng cả hàng trăm năm về nhận thức và cảm thụ với “tam nông”. Ở đó có cả sự ấu trĩ, sơ khai, truyền thống, tâm linh, sự cấu kết, sự tan rã... trong tâm tưởng và thực tế của đề tài. Có như thế mới có sự bứt phá trong sáng tạo và có sự đồng điệu giữa nhà văn và bạn đọc.

Để vấn đề “tam nông” được chú trọng hơn trong sáng tác văn học, trước hết về quản lý, cần có sự đánh giá cẩn trọng, nghiêm túc các thành tựu đạt được, đồng thời tìm ra những nguyên nhân cốt lõi của sự yếu kém để có hướng khắc phục.

Về phía nhà văn, như đã nói ở trên, cần vận dụng tối đa sự tìm tòi, hiểu biết, sức sáng tạo, thậm chí cả lòng dũng cảm để tìm cho ra nét cơ bản của số phận người nông dân đương đại. Từ đó xây dựng những điển hình, biểu trưng xung quanh nhân vật cốt lõi này. Vẫn biết, nhà văn viết về “tam nông” không nhất thiết phải về sống ở nông thôn, phải biết làm nghề nông, phải làm nông dân, bởi sự viết là sự kết tinh từ tâm tưởng, từ hoài niệm, từ tưởng tượng nữa. Nhưng dù sao, không khí của nông thôn, đời sống người nông dân, sự trăn trở của nông nghiệp đương đại vẫn rất cần có trong mao mạch, trong nhịp tim của người sáng tạo.

Về phía bạn đọc, nên chăng có sự ưu ái, trở lại với những trang văn, bài thơ về “tam nông” như đã từng làm ấm áp, rung động bao thế hệ đi trước. Đồng thời dù có yêu cầu cao với các tác phẩm đương đại, cũng cần sự chia sẻ, thẳng thắn, chung tay để cùng người sáng tạo viết tiếp những trang văn về đề tài rất cũ nhưng không bao giờ xơ cứng này.

Nhà văn ĐỖ HÀN