Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, cho rằng: Có rất nhiều vấn đề đáng bàn nhưng lớn nhất vẫn là thách thức về nhân lực trong chính các Hội VHNT địa phương. Mọi cuộc đổi mới đều bắt đầu từ tư duy và trước hết là tư duy của các lãnh đạo.
Đừng lãng phí sự ưu ái
Phóng viên (PV): Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức tập huấn nghiệp vụ báo chí khá “rầm rộ”, thu hút nhiều văn nghệ sĩ cả các địa phương khác tham gia. Tôi nhớ chị đã chia sẻ để thoát khỏi “chiếc áo cũ”, thậm chí rất cũ thì phải làm nhiều việc. Vậy nếu ví Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên là chiếc áo thì nó đang ở tình trạng như thế nào? Mới, cũ, hay là rất cũ, thưa chị?
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Cũng không có gì đặc biệt để nói nếu việc tập huấn vẫn diễn ra theo hình thức trực tiếp như trước đây. Nhưng do dịch Covid-19 nên phải đổi thành hình thức trực tuyến. Nghĩ cùng một công thầy dạy mà chỉ có mỗi cơ quan mình học thì hơi... phí, chúng tôi đã mời thêm một số đơn vị bạn trong và ngoài tỉnh cùng tham gia. Nhưng khi thông tin về lớp tập huấn có nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, giảng viên Vũ Thế Cường (chuyên về báo chí hiện đại) đứng lớp được chia sẻ trên mạng xã hội, thì đã tạo ra sức hút, sự lan tỏa và những kết nối bất ngờ. Từ dự kiến 60 - 70 học viên, chỉ trong mấy ngày lớp học đã nhanh chóng tăng lên con số 150 người tham gia, từ Thái Nguyên đến Hải Dương, Hải Phòng, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu..., thậm chí cả cộng tác viên của Văn nghệ Thái Nguyên ở Pháp. Ban đầu chúng tôi cũng hơi lúng túng trong điều hành, nhưng sau thì ổn cả.
 |
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh trong buổi tập huấn nghiệp vụ báo chí của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí của Chính phủ, từ tháng 1-2021 Báo Văn nghệ Thái Nguyên chuyển thành tạp chí, trang thông tin điện tử trở thành tạp chí điện tử. Nếu nói về Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên bản in giấy thì đấy đúng là “chiếc áo mới”. Hình thức thì hoàn toàn mới, trình bày đẹp hơn; nội dung cơ cấu lại chuyên mục chuyên trang, tính chuyên ngành cao hơn. Nhưng bản điện tử thì vẫn dùng nguyên giao diện cũ, được thiết kế từ năm 2012 đã lạc hậu so với yêu cầu làm báo hiện đại, với xu thế báo chí đa phương tiện hiện nay. Tôi nói với các cộng sự của mình rằng, Văn nghệ Thái Nguyên không chủ động đổi mới, không “thay áo mới” là tự đánh chìm mình trong xã hội thông tin và đứng ngoài cuộc sống của công chúng, chứ chẳng phải đùa hay tự mãn được.
PV: Không riêng gì Văn nghệ Thái Nguyên và cũng không phải chỉ từ khi thực hiện quy hoạch, theo chị trong giai đoạn hiện tại các tạp chí/báo văn nghệ địa phương đang đứng trước những thách thức, yêu cầu gì?
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 thì mỗi tỉnh chỉ còn một tờ báo và một tạp chí văn nghệ. Điều đó cho thấy sự ưu ái của Đảng, Nhà nước đối với báo chí văn nghệ và văn nghệ sĩ nước nhà. Nhưng nếu vì thế mà dễ dàng hài lòng với hiện trạng, không tự đổi mới, không đồng hành với đời sống xã hội, cứ quẩn quanh trong cái “tháp ngà văn nghệ” thì sự ưu ái quý giá ấy xem như lãng phí rồi.
 |
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Nói điều này thì chắc tôi sẽ bị trách, nhưng quả thật, đặt báo chí văn nghệ trong dòng chảy chung của đời sống báo chí mới thấy có nhiều điều đáng bàn. Từ sự thiếu chuyên nghiệp của lãnh đạo, đội ngũ biên tập viên, cộng tác viên, đến cách thức tổ chức xuất bản, phát hành, quảng bá. Hầu hết vẫn theo cách làm từ mấy chục năm trước. Nơi thì có gì xuất bản nấy, nơi thì tự biến mình thành một bản tin tuyên giáo. Rất nhiều nơi còn chưa có trang web, vì người đứng đầu (nhất là những vị đã nghỉ hưu được cử sang làm lãnh đạo hội, phụ trách tạp chí) không quan tâm đến việc vì sao cần có nó. Tôi luôn có cảm giác hệ thống báo chí văn nghệ đứng bên lề đời sống báo chí đương đại. Rất ít tổng biên tập thật sự có nghề và có tầm để mà chống lại sự tụt hậu, chủ động đổi mới.
Cho nên, nói thách thức của báo chí văn nghệ thì nhiều nhưng lớn nhất vẫn là thách thức về nhân lực trong chính các Hội VHNT địa phương. Mọi cuộc đổi mới đều bắt đầu từ tư duy, trước hết là tư duy của các lãnh đạo. Sau mới là cơ chế, vì cơ chế là do con người tạo ra.
Đừng để “đất canh tác” cho riêng ai
PV: Lại nói thêm, lâu nay nhiều người tỏ ra chán nản khi nhắc tới việc tạp chí/báo văn nghệ các tỉnh cứ loay hoay trong “cái áo địa phương”. Bản sắc địa phương đương nhiên rất cần, rất tốt nhưng chỉ vùng vẫy trong ấy thì khó thoát khỏi cảnh “ao làng”. Nhưng để tạp chí bung nở, hội nhập đón những màu sắc khác, lại vẫn giữ bản sắc quả thực không nhiều lãnh đạo làm được?
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Theo tôi, cần xác định “bản sắc địa phương” của mình là gì, để gìn giữ, phát huy giá trị của nó. Chẳng hạn với Thái Nguyên, không giống như Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn đậm đà bản sắc các dân tộc thiểu số, đây là điểm gặp gỡ của hai miền ngược và xuôi, nơi hội tụ của đồng bào các dân tộc. Vì thế, chúng tôi đã xây dựng và phát triển VHNT Thái Nguyên theo tinh thần “hội tụ và lan tỏa”.
Và ở đâu cũng vậy, khi xác định được bản sắc rồi, còn phải tôn trọng nhu cầu của độc giả nữa. Phải lấy độc giả làm đối tượng phục vụ chính, chứ không phải chỉ hội viên của mình với nhau. Độc giả địa phương cũng có quyền và có nhu cầu được tiếp cận thông tin thuộc phạm trù mỹ học, các vấn đề đời sống trên phạm vi cả nước, thậm chí thế giới, chứ đâu chỉ giới hạn trong địa phương mình? Nên đừng “gói” thông tin thẩm mỹ của tạp chí chỉ trong giới hạn “ao làng”. Thời hội nhập, làm gì có ai đứng một mình?
Còn nữa, phải vượt qua những ưu tiên mang tính đặc lợi của một số ít hội viên coi tạp chí văn nghệ tỉnh là “đất canh tác” của riêng mình. Văn nghệ sĩ địa phương cũng phải chấp nhận “cạnh tranh” với những cây bút chất lượng ở ngoài địa phương, để in được. Sự cạnh tranh ấy hoàn toàn lành mạnh và tích cực, nó thúc đẩy người sáng tác phải nâng mình lên để theo kịp bầu bạn văn chương, đặc biệt là theo kịp nhu cầu thưởng thức của công chúng. Lấy chất lượng làm giá trị của tạp chí. Ai không theo kịp thì tụt lại thôi.
Đừng chỉ chăm mỗi “sân văn nghệ”
PV: Chị từng chia sẻ về sự quan tâm tới những lĩnh vực ngoài “sân văn nghệ” để tạp chí gần đời sống người dân hơn. Tuy nhiên, như tên gọi của nó, VHNT vẫn luôn phải là lĩnh vực quan trọng nhất. Làm thế nào để sân văn nghệ không kín cổng cao tường nhưng cũng tránh bị lệch sang sân báo chí thông tấn, thưa chị?
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Tôi xin nói từ mình. Văn nghệ Thái Nguyên là báo hay tạp chí vẫn nhất quán chủ trương “giá trị thẩm mỹ luôn là ưu tiên hàng đầu”. Coi trọng chất lượng tác phẩm và lấy công chúng làm đối tượng phục vụ chính. Ở cả bản in hay bản điện tử, dấu ấn VHNT hiện ra rất đậm nét từ hệ thống chuyên mục, cách thức thể hiện, đến chất lượng tác phẩm.
Nhưng chúng tôi quan niệm: Báo chí văn nghệ mà chỉ chăm mỗi cái “sân văn nghệ” của mình, nhân dân sống, vui, buồn ra sao là... việc của nhân dân, thì chỉ văn nghệ sĩ đọc với nhau thôi. Với chủ trương “gần dân, vì dân” hơn, trong khoảng 10 năm qua chúng tôi luôn cố gắng gắn VHNT với đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, tăng tính báo chí nhưng không làm giảm chất văn nghệ. Mảng bút ký – ký sự có thể coi là mũi nhọn trong thực hiện chủ trương đó. Bằng việc mời các cây bút có uy tín trong và ngoài địa bàn cộng tác, chủ động tìm những đề tài hay, cử phóng viên theo đuổi đề tài, đi đến cùng nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân... sau nhiều năm, Văn nghệ Thái Nguyên tạo được một uy tín nhất định trong đời sống bởi chất lượng và ảnh hưởng xã hội.
 |
Thái Nguyên nhìn từ trên cao qua tác phẩm ảnh "Dưới làn mây trắng" của Trần Văn Minh.
|
Cùng với đó, hoạt động hội cũng đổi mới từ tư duy đến việc làm cụ thể. Chúng tôi vừa chăm lo xây dựng lực lượng văn nghệ sĩ chuyên nghiệp để có tác phẩm chất lượng, vừa phát triển hệ thống các hội và câu lạc bộ VHNT địa phương, nỗ lực tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Tôi không nghĩ quan điểm “gần dân, vì dân” theo cách này đã nhận được sự đồng thuận của các Hội VHNT khác, nhưng chúng tôi đã lựa chọn và bước đầu thành công nên xin chia sẻ như vậy.
PV: Và việc liên tục tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, trại sáng tác, tập huấn... “bất chấp” dịch bệnh cũng là một cách đầu tư cho những tác phẩm chất lượng?
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Đúng vậy và không chỉ như vậy. Mỗi cuộc thi, mỗi cuộc vận động ngoài việc tìm kiếm những sáng tác mới, thì còn tìm kiếm những nhân tố mới cho hoạt động sáng tạo VHNT. Việc tìm kiếm ấy là một phần trong chức năng nhiệm vụ của các Hội VHNT. Qua các hoạt động mang tính chất phong trào, phát hiện để rồi chăm chút bồi dưỡng tài năng VHNT cho địa phương mình và xã hội.
Ví dụ như tháng 8 vừa qua, chúng tôi tổ chức Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi, cũng với hình thức online. Chúng tôi thật sự vui sướng khi phát hiện ra khá nhiều em nhỏ rất có triển vọng, thậm chí có em tôi coi là tài năng thật sự. Từ phát hiện ấy, chúng tôi sẽ tiếp tục bồi dưỡng để các em thêm yêu thích văn chương, hy vọng sau này sẽ có em chọn văn chương làm sự nghiệp sáng tạo.
PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
DƯƠNG THU (thực hiện)