Phát biểu khai mạc, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg cho biết, hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 250 năm Ngày ra đời Luật báo chí Thụy Điển, một bộ luật báo chí đầu tiên trên thế giới. Theo Đại sứ, Luật báo chí ra đời đã đóng vai trò là một công cụ mạnh góp phần vào sự phát triển của nhà nước phúc lợi và hiện đại của Thụy Điển, đảm bảo công chúng có thể tiếp cận với các văn bản pháp luật, trừ những bí mật quốc gia, và tham gia vào các cuộc tranh luận công khai.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội thảo.
Thế kỷ 21 đã mở ra một thời đại mới cho khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, con người có thể dễ dàng, nhanh chóng thu thập và chia sẻ mọi thông tin. Đại sứ Pereric Hogberg khẳng định, Việt Nam là một quốc gia đi đầu ở Đông Nam Á về kết nối internet, băng thông rộng… Do vậy, Thụy Điển mong muốn hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận cơ hội và thách thức của báo chí trong thời đại kỹ thuật số.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhận định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, báo in theo phương thức truyền thống đang ngày càng có xu hướng sụt giảm do sự ra đời và phát triển nhanh chóng của báo điện tử và mạng xã hội. Bên cạnh đó, mô hình Tòa soạn đa phương tiện là điều kiện tất yếu để một cơ quan báo chí, truyền thông tồn tại và phát triển. Để đáp ứng được yêu cầu của tòa soạn đa phương tiện, đòi hỏi mỗi nhà báo phải nắm bắt, làm chủ được kỹ thuật và phải cập nhật sự thay đổi đến chóng mặt của những công nghệ tiên tiến nhất. Từ những yêu cầu thực tiễn đó, mỗi quốc gia, từng cơ quan báo chí truyền thông đều phải đặt ra những chiến lược phù hợp trong thời đại của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, một vấn đề nữa cần được quan tâm là sự cạnh tranh thông tin giữa các báo điện tử, mạng xã hội cũng dễ kéo theo tình trạng nhiễu loạn thông tin, có thể gây ra những tác động tiêu cực trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, việc quản trị thông tin (như cách thu thập thông tin; sử dụng thông tin đó như thế nào; có nhằm tới mục đích đem lại những thông tin chân thực, nhiều chiều tới độc giả, khán giả hay không...) đặt ra yêu cầu phải có được đội ngũ những nhà báo có đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp. Các nhà báo luôn phải học hỏi, nâng cao những kỹ năng trong hoạt động báo chí truyền thông hiện đại, đồng thời cũng phải luôn ý thức được sứ mệnh cao cả của một nhà báo chân chính…
Trong hai ngày diễn ra hội thảo (5 và 6-12), các đại biểu sẽ thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của báo chí Thụy Điển, đồng thời thảo luận về cách thức các cơ quan báo chí truyền thông có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam một cách có ý nghĩa. Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm mục đích cung cấp các kỹ năng báo chí quan trọng, cần thiết trong thời đại công nghệ số cho các nhà báo làm việc tại các cơ quan báo chí của Việt Nam.
Tin, ảnh: PHƯƠNG LINH