 |
Khung cảnh Hội Diều làng Bá Dương Nội vào những năm 1988. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Công đoạn làm diều sáo
Để hiểu về nghề làm diều, chúng tôi được người dân giới thiệu đến nhà Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm (sinh năm 1948), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều sáo của làng. Ông Nguyễn Hữu Kiêm được trao tặng các danh hiệu: Nghệ nhân Dân gian năm 2005, Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2022.
Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm: “Để làm một con diều, đầu tiên người ta sẽ phải chọn tre để làm khung. Việc chọn tre làm diều khá kỳ công. Loại tre thích hợp nhất là tre đực, già, mọc ở giữa bụi, dân gian vẫn quen gọi là "tre mép voi". Đó là loại tre thẳng, có dóng dài, dày và không vết xước”. Theo kinh nghiệm của ông, làm tay tre dẻo, dễ uốn, chống được ẩm và không bị mối mọt là đem các tay tre cho vào nồi nước vôi hoặc nước muối luộc kỹ. Khi tre đã khô ráo, sẽ được uốn thành những chiếc khung thật chuẩn.
Giữ khung diều là một “sống diều” bằng tre cứng, to bản, nhô dài ra hai bên khung. Theo quy trình chế tạo một chiếc diều truyền thống, người thợ sẽ dùng thanh tre cứng, gò chắc khung diều theo chiều ngang của khung, dùng dây đan lưới phủ kín khung diều theo kiểu hình mắt cáo. Các đầu dây được luồn khéo, siết chặt vào các mép khung diều. Khi đan lưới, cần có ít nhất hai người thao tác. Công việc này có tác dụng giữ được độ phẳng cho chiếc khung diều đã định hình, đồng thời tránh cho áo diều không bị rách khi rơi hay gặp nước ẩm.
Sau phần tạo khung là đến khâu phất giấy diều. Giấy diều ngày xưa được làm từ giấy nam, hay còn gọi là giấy dó, có tính năng nhẹ, xốp, giúp diều bay nhanh, bay cao. Để phất giấy diều, người thợ thường dùng quả cây hoặc nhựa hồng xiêm non, giã nhuyễn, hòa với nước theo một tỷ lệ nhất định, dùng làm chất kết dính dán giấy vào mép khung của chiếc diều. Giấy được dán hai lớp hai bên sống diều tạo thành áo diều. Yêu cầu của kỹ thuật phất giấy là không quá căng, cũng không được quá chùng. Các loại quả kể trên cũng được giã dập, lấy nhựa làm sơn, quét lên lớp áo diều ba lượt, có tác dụng làm cho giấy diều cứng hơn, chống thấm nước và chống côn trùng.
 |
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm. Ảnh: NGUYỄN LAN |
Công đoạn cuối cùng trong việc chế tạo diều là làm dây buộc. Dây buộc có thể dài vài trăm mét. Dây buộc diều xưa được tạo từ cây tre vót nhỏ (hay còn gọi là “dang”). Sau đó, dây được đem đi luộc sôi đến bốn, năm tiếng đồng hồ. Dây luộc xong được vuốt một lượt ở ngoài và nhẹ hơn cả dây gai, dây kẽm, dây thừng, về phương diện thẩm mỹ trông cũng đẹp hơn những loại dây kia. Dây này chơi được năm, bảy năm, thậm chí lâu hơn nữa. Các vòng dây được cuộn vào một “cái vành” là ống tre khoảng 50cm đường kính.
Điểm đặc biệt của diều làng Bá Dương Nội là diều sáo truyền thống không có đuôi. Sau khi hoàn thiện phần chế tác, các nghệ nhân còn phải trải qua một quá trình “chấp sáo” - tức là ghép các ống sáo lại thành một bộ sao cho hài hòa về âm thanh. Công đoạn này có thể kéo dài cả tháng, thậm chí vài tháng, bởi phải nghe đi nghe lại nhiều lần để chọn ra những ống sáo phù hợp nhất với nhau.
Người nghệ nhân phải tinh tế “chấp” làm sao để từng ống, dù lớn hay nhỏ, không cái nào át cái nào, mà phải nâng đỡ, tôn nhau lên. Đó chính là nghệ thuật thẩm âm, một công việc đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm và cả sự nhẫn nại.
“Thẩm âm sáo cũng là một chuyện vô cùng quan trọng, không phải ai cũng làm được. Sáo mà đúng điệu thì khi bay lên sẽ có lúc réo rắt, lúc trầm lắng, lúc rộn ràng - như một khúc nhạc giữa trời. Các cụ trong làng vẫn ví von bộ sáo sáu ống là "mẹ gọi, con thưa": Mẹ gọi một tiếng, con phải dội lại hai tiếng. Đó là sự hài hòa tuyệt vời giữa các âm thanh - một thứ ngôn ngữ rất riêng, rất Việt, bay lên cùng cánh diều. Do đó mà có người cả đời chưa chắc làm được bộ sáo hay” - ông Kiêm tâm sự.
Cách chế tạo tưởng chừng đơn giản nhưng cũng lắm công phu. Những người chơi diều là những nghệ sĩ và những người kiên nhẫn. Họ làm diều để thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ trong thú chơi, mất nhiều thì giờ trong việc tạo thành một chiếc diều. Với cách chế tạo truyền thống, tất cả những người thợ đều đồng nhất về kỹ thuật cũng như cách lựa chọn nguyên vật liệu. Còn về hình dáng thì mỗi vùng lại có cách tạo hình riêng làm nên bản sắc cánh diều địa phương.
Đưa cánh diều bay xa
Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn nghề truyền thống, các nghệ nhân Bá Dương Nội còn không ngừng nỗ lực quảng bá sản phẩm văn hóa quê hương ra thế giới. Cánh diều của làng từng hiện diện tại nhiều sự kiện văn hóa lớn như: Festival Diều Quốc tế tại Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu; Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Festival Diều Quốc tế tại Thái Lan (2010, 2014), Trung Quốc (2012), Pháp (2012), Malaysia (2014)... Các sản phẩm diều Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao nhờ sự độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.
Đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định đưa “Hội Diều làng Bá Dương Nội” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2025, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 2982/QĐ-UBND ngày 7-6-2024 công nhận làng nghề diều sáo làng Bá Dương Nội là nghề truyền thống Hà Nội.
 |
Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội Diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Đặc biệt, vào ngày rằm tháng Ba năm 2025, tại di tích Miếu Diều, lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Hội Diều làng Bá Dương Nội" được tổ chức trang trọng. Cũng trong dịp này, nghề làm diều sáo Bá Dương Nội chính thức được vinh danh là nghề truyền thống Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Hữu Kiêm, “để hướng tới phát triển bền vững, chính quyền địa phương đang triển khai quy hoạch khu trải nghiệm văn hóa cộng đồng rộng 3ha tại cánh đồng trước cửa Đền Diều. Khu vực này dự kiến trở thành điểm đến du lịch văn hóa tiêu biểu trong tương lai, đồng thời là không gian giáo dục văn hóa di sản dành cho học sinh và du khách”.
Diều sáo Bá Dương Nội không chỉ là sản phẩm thủ công đặc sắc mà còn là biểu tượng sống động của sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại. Với tâm huyết gìn giữ của người dân và sự đồng hành của chính quyền, nghề làm diều sáo nơi đây đang ngày càng khẳng định vai trò trong việc lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
NGUYỄN LAN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.