Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng bào S'tiêng nơi đây không chỉ đùm bọc, chở che, cung cấp lương thực mà còn dệt thổ cẩm, làm vải để may áo, chăn cho bộ đội. Mới đây, tỉnh Bình Phước phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình thời trang nghệ thuật "Ngày mới trên sóc Bom Bo”, thắp sáng những sắc màu thổ cẩm, văn hóa truyền thống trên mảnh đất huyền thoại.
 |
Nghệ nhân dân tộc S’tiêng trao khăn thổ cẩm dệt truyền thống tặng nguyên Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. |
Tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, không khí hân hoan lan tỏa khắp không gian núi rừng sóc Bom Bo. Từ những cụ già đến các em nhỏ, tất cả đều hòa mình vào niềm vui chung khi chứng kiến văn hóa dân tộc được tôn vinh. Chương trình cất lên thanh âm của cồng chiêng và đàn t'rưng vang vọng giữa lòng sóc Bom Bo, vút lên trời cao như một lời gọi mời, báo hiệu, đánh thức những giá trị văn hóa truyền thống đang ngủ quên trong nhịp sống hối hả, hiện đại hóa.
Hướng về phía sân khấu rộng lớn gần 1.000m2 tại khu bảo tồn, những ánh đèn vàng ấm áp chiếu rọi, hắt xuống các nghệ nhân dân tộc S’tiêng, phản chiếu hình bóng những đôi tay đang uyển chuyển dệt vải. Những nghệ nhân đó là phụ nữ người S'tiêng, họ ngồi bên khung cửi mộc mạc, đôi tay thoăn thoắt đưa thoi dệt nên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Từng đường chỉ được se khéo léo, đan cài vào nhau, tạo nên những hoa văn tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc mình.
Chị Đào Thị Hoài Ngọc (sinh năm 2001, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tham dự chương trình chia sẻ: “Dù biểu diễn trên sân khấu trước cả nghìn khán giả, tưởng chừng phụ nữ S’tiêng sẽ có sự căng thẳng, ngượng tay, nhưng chỉ cần cầm lên tay tấm vải thô, họ liền say sưa với công việc quen thuộc, như đang kể lại những câu chuyện về cuộc sống, về truyền thống của quê hương. Khi những tấm thổ cẩm dần hiện ra dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, tôi cảm thấy họ như mang theo cả tâm hồn và tình yêu của mình dành cho nghề dệt. Mỗi đường kim, mũi chỉ đều chứa đựng sự tỉ mỉ, khéo léo và tâm huyết, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc S'tiêng”.
 |
Người mẫu chuyên nghiệp và người dân địa phương cùng trình diễn bộ trang phục thổ cẩm. |
Trong không gian đậm bản sắc dân tộc, bộ sưu tập gồm 70 bộ trang phục thổ cẩm do chính tay các mẹ, các chị người dân tộc S’tiêng dệt nên, cùng với 250 thiết kế độc đáo của nhà thiết kế Minh Hạnh đã rực rỡ khoe sắc trên sàn diễn thời trang, vẽ nên một bức tranh văn hóa độc đáo của người S'tiêng và M'nông.
Các bộ trang phục được tô điểm bằng nhiều hoa văn tỉ mỉ và cách phối màu tạo nét hoang sơ, huyền bí. Các hình khối, người, chim thú, cây cối, hoa lá và nhiều hoa văn họa tiết khác được thể hiện trong từng ô vuông nhỏ, cân đối dệt nên trong từng bộ trang phục. Các màu chủ đạo của bộ sưu tập gồm: Màu đen tượng trưng cho đất, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời và màu xanh của cỏ cây, hoa lá, tạo nên sự tương phản hài hòa, vừa thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, vừa gợi nhớ đến vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên.
Từng bộ trang phục thổ cẩm trên sàn diễn còn là những bức chân dung sống động, khắc họa rõ nét vẻ đẹp và khí chất, nhịp sống của người phụ nữ S'tiêng qua mỗi giai đoạn cuộc đời. Với người trẻ, bằng những gam màu tươi sáng, thêu những hoa văn uốn lượn và cuốn hút như thiếu nữ đang yêu. Còn các bà, các mẹ thì lấy gam màu trầm làm chủ đạo, đường nét hoa văn rắn rỏi thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc sống. Đáng chú ý, các họa tiết thổ cẩm xuất hiện trên tà áo dài truyền thống tạo nên điểm nhấn, làm nổi bật vẻ đẹp duyên dáng và kiêu sa của người phụ nữ Việt Nam.
 |
Nghệ nhân dân tộc S’tiêng tỏa sáng trên sân khấu. |
Nhà thiết kế Minh Hạnh, tổng đạo diễn chương trình chia sẻ: “Điều cần thiết là làm sao trợ lực cho thổ cẩm S’tiêng, đưa niềm tin của người S’tiêng vào thổ cẩm để thổ cẩm S’tiêng có một đời sống mới. Chúng tôi cần phải có trách nhiệm tạo được hơi thở của thời đại trong thổ cẩm. Hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được tinh thần của tất cả vùng miền, vì những tinh thần đó chính là giá trị di sản của vùng miền”.
"Ngày mới trên sóc Bom Bo" còn tạo dấu ấn đặc sắc ở phần trình diễn của các người mẫu chuyên nghiệp cùng sự góp mặt của người dân địa phương. Chị Mỹ Trang, người S'tiêng đến từ xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, là một trong những người dân được lựa chọn để trình diễn. Tuy hồi hộp nhưng ánh mắt chị lấp lánh niềm vui và nụ cười rạng rỡ. Mỗi bước chân, mỗi cử chỉ đều toát lên vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, cùng lòng kiêu hãnh, tự hào khi được giới thiệu những nét đẹp truyền thống của quê hương đến với đông đảo khán giả. “Lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn, tuy hồi hộp nhưng thấy trang phục của dân tộc mình được giới thiệu đến nhiều người, tôi vô cùng tự hào, tiếp thêm cho tôi sự tự tin để trình diễn”, chị Mỹ Trang chia sẻ.
Đồng chí Điểu Hà Hồng Lý, Phó chủ tịch HĐND huyện Bù Đăng bày tỏ: “Chương trình là sự tri ân, là nỗ lực để thổ cẩm S'tiêng có một đời sống mới, đưa thổ cẩm không chỉ là di sản mà còn là sản phẩm có giá trị kinh tế, văn hóa cao. Qua đó, giúp nghề dệt thổ cẩm cũng như các nghề thủ công truyền thống khác tìm được hướng đi, thực sự trở thành sinh kế để người dân gắn bó, gìn giữ và phát triển”.
Bài và ảnh: BẢO NGÂN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.