“Đường về quê chúng em xa vời

Vượt mười non chín sông người ơi

Có đào nở rộ, có mận chín đấy

Óng ánh mật ong thơm ngạt ngào

 

Cả bản làng sống giữa trời mây

Người ơi đã yêu thì xa mấy cũng qua

Dùng tiếng đàn bắc cầu anh tới nhé

Lấy tiếng lượn dẫn lối người thương sang”

Khi điệu Iếu bừng lên giữa bản làng của miền sơn cước, chúng tôi lại bắt đầu hành trình về với Tuyên Quang, về xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) để được đắm mình trong không gian đằm thắm tiếng đàn tính ngọt ngào. Tiết trời tháng 4 ở đây tựa như khúc giao mùa bên dòng sông Phó Đáy thơ mộng, tiếng đàn tính chính là sự giao thoa của trời đất và đồng bào dân tộc Tày, lời ca ngọt ngào thánh thót như lời chào đón vị khách phương xa tới nhà.

leftcenterrightdel

Bà Ma Thị Lệ giao lưu hát Iếu tại nhà văn hóa xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) chào đón những vị khách phương xa ghé thăm. 

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Tày có một nền văn hóa phong phú. Trong vô vàn các làn điệu dân ca làm say đắm lòng các chàng trai, cô gái Tày như: Hát Then, hát khắp Coọi, hát Sli… phải kể đến hát Iếu, một hình thức hát giao duyên khá đặc sắc của đồng bào Tày. Dù đứng trước cơ chế thay đổi của thị trường nhưng nét văn hóa dân gian ấy vẫn được cộng đồng người Tày gìn giữ và bảo lưu từ đời này sang đời khác.

Bà Ma Thị Lệ (69 tuổi, xã Tân Trào) chia sẻ: “Ngày trước, hát Iếu thường chỉ dành cho đôi trai gái chưa lập gia đình nhằm giao duyên, tìm hiểu lẫn nhau nhưng sự độc đáo và sức hấp dẫn của Iếu đã khiến loại hình này phổ biến, thậm chí là những người lớn tuổi đều có thể hát”.

Hát Iếu không cầu kỳ cũng rất đơn giản, người ta có thể ngân nga câu hát khi gặp nhau ở lễ hội ngày mùa, lễ hội Lồng tồng hay trên nương, trên rẫy của đôi nam, hoặc tốp nam nữ… Từ hình thức sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, hát Iếu đã trở thành sợi dây trao đổi tình cảm lứa đôi và biểu hiện nét đẹp trong phong tục tập quán của người Tày. Bởi vậy, hát Iếu còn được ví von như làn điệu quan họ giao duyên của người Tày.

leftcenterrightdel
Trong cuộc sống thường ngày, những câu hát Iếu cũng cất lên khi lao động sản xuất để dạy cho các thế hệ sau, tiếng Iếu cứ thế theo năm tháng cùng lời ru con và ngấm vào máu của đồng bào dân tộc Tày. 

“Tuổi cao nhưng tôi vẫn say mê cái làn điệu Iếu, càng hát càng yêu. Từ “yêu nhau thì yêu đến già, đừng như con bướm đậu rồi lại bay” đến tuổi 69 cũng thương nhau thôi, Iếu đã trở thành một người bạn, một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của chúng tôi”, bà Lệ trải lòng.

Thông thường, hát Iếu có đến 5 loại (Iếu đỉnh duyên, Iếu quấn quýt, Iếu kháy, Iếu đố và Iếu lượn) loại như 4 cung bậc (hỉ, nộ, ái, ố) của đồng bào Tày và thời gian cuộc hát có thể thâu đêm đến sáng. Tùy thuộc vào không gian diễn ra hát Iếu mà trình tự cuộc hát được triển khai phù hợp nhưng đều được thực hiện theo một trình tự như: Chào nhau, mời nhau hát, hát tìm hiểu tâm tình, giãi bày, rồi tiếp đến là các đoạn xe kết, định duyên hoặc chia tay, hẹn ước.. cứ như vậy đôi bên đối đáp đến khi bên nào thua thì thôi.

Hát Iếu còn đặc biệt chỉ được ca lên trong sự ngẫu hứng, bên kia ra lời thì bên này đáp lại một cách khéo léo và thuyết phục. Do đó, hát Iếu đòi hỏi người hát phải thật thông minh, nhạy bén, thông qua đó bày tỏ tâm trạng, nỗi lòng của mình.

leftcenterrightdel
Lớp trẻ của Tân Trào đang ngày ngày được thế hệ gạo cội truyền lại tình yêu với Iếu, với làn điệu làm say đắm lòng người. 

Có thể thấy, thông qua câu hát Iếu, đồng bào Tày đã truyền tải được những giá trị văn hóa và gìn giữ qua câu hát quê hương. Điều đó thật đáng trân trọng và đáng quý biết bao! Sức sống của những nét văn hóa này sẽ mãi mãi còn lan tỏa và trường tồn theo năm tháng góp phần làm nên một nền văn hóa 54 dân tộc Việt Nam đa dạng và giàu bản sắc.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC