Cách đây hơn 70 năm, ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva được ký kết về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, thông qua tuyên bố chung bao gồm những nội dung quan trọng như: Đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình; tổng tuyển cử thống nhất đất nước và các vấn đề thi hành hiệp định cho toàn bộ Đông Dương. Đây là một bước tiến quan trọng, vừa có ý nghĩa pháp lý, vừa tạo cơ sở tinh thần để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước.
Thực hiện các điều khoản của Hiệp định Geneva, thực hiện chủ trương của Đảng và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta đã chuyển cán bộ, bộ đội, đồng bào và các cháu học sinh miền Nam ra miền Bắc. Hành trình của đồng bào, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc cũng là hành trình với những dấu mốc lịch sử. Đến hôm nay, sau 70 năm (1954-2024), chúng ta càng thấy tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện này. Hình tượng Con tàu tập kết đã trở thành biểu tượng của Bài ca chiến thắng.
 |
Toàn cảnh công trình tượng đài Con tàu tập kết ra Bắc. Ảnh: Đình Minh |
Đại thắng Mùa xuân năm 1975, trong ngày hội của đoàn quân chiến thắng, ngày hội của non sông Việt Nam sau bao năm binh lửa, chia cắt, mất mát, hy sinh, những người con của hai miền đất nước ùa vào nhau, ôm chặt lấy nhau liền da liền thịt. Biết bao xương máu, biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để có ngày toàn thắng. Nước mắt, nụ cười ào ra, nghẹn lại, rừng rực sáng dưới biển cờ hoa chiến thắng.
Trong ngày đất nước khang trang, chúng ta lại nhớ về ngọn nguồn, về những dấu mốc, những sự kiện lịch sử, trong đó có sự kiện đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết ra miền Bắc năm 1954, một sự kiện lịch sử tính đến nay đã tròn 70 năm với người mất, người còn; với sự thiêng liêng và biết ơn vô hạn tới Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Việc tập kết đồng bào miền Nam ra miền Bắc là để gìn giữ và phát triển lực lượng cho cách mạng sau này. Hàng vạn cán bộ, bộ đội, con em miền Nam tập kết ra miền Bắc được nuôi dưỡng, học tập, đào tạo toàn diện trong sự đùm bọc, yêu thương của nhân dân miền Bắc để chuẩn bị lực lượng lâu dài cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, nhất là việc xây dựng miền Nam khi nước nhà thống nhất.
Những chuyến tàu tập kết không kể ngày đêm vượt nghìn trùng sóng gió đưa đồng bào và chiến sĩ miền Nam ra miền Bắc trong vòng tay lớn ruột thịt. Phương tiện chuyển quân chủ yếu bằng đường thủy. Cán bộ, học sinh ở các khu vực miền Trung và Nam Bộ đi tập kết bằng tàu của Liên Xô và tàu Ba Lan. Tàu Liên Xô thường đón lực lượng tập kết tại cửa sông Ông Đốc, Cà Mau.
Các điểm tập kết tại miền Nam là Cà Mau, Hàm Tân-Xuyên Mộc, Bình Thuận, Vũng Tàu, Quy Nhơn. Các điểm tập kết miền Bắc là Quý Cao (Thái Bình), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Hội (Nghệ An), cán bộ và học sinh miền Nam được đón về các tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình... Hành trình trên các ngả đường tập kết là một hành trình với biết bao khó khăn, gian khổ nhưng thấm đẫm tinh thần và ý chí cách mạng. Đồng bào đi đến đâu, việc ăn ở, chăm sóc sức khỏe đều được chính quyền và người dân các nơi tận tình san sẻ, giúp đỡ như người thân ruột thịt. Từng hạt gạo, cọng rau, bát nước chè xanh, viên thuốc cho người già, trẻ nhỏ, tấm áo bông đã cũ ấm tình người miền Bắc đem tới tặng đồng bào ruột thịt miền Nam.
Tại cửa biển Cảng Hới (Sầm Sơn, Thanh Hóa), tấm bia hôm nay ghi rõ: “Nơi đây, Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn từ 15-10-1954 đến 1-5-1955 đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneva về Việt Nam". Tấm biển sừng sững như một dấu mốc, một chứng nhân lịch sử.
Trong vòng tay của chiến sĩ và đồng bào miền Bắc, mỗi người con miền Nam ruột thịt ai cũng như ở chính nhà mình. Đồng chí Lê Liêm, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thay mặt quân và dân miền Bắc ân cần xuống tận Cầu Cảng đón bà con trong vòng tay chung kết đoàn Nam-Bắc.
Những con tàu của anh em bè bạn các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Ba Lan hú còi chào bến cảng thân yêu. Hình ảnh em bé Việt Nam tặng hoa cho thuyền trưởng tàu Liên Xô tại bến cảng Sầm Sơn vẫn còn đó. Hình ảnh các thủy thủ tàu Liên Xô, tàu Ba Lan hỗ trợ đồng bào miền Nam lên bến vẫn còn đó. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức chúng ta.
Sau 70 năm, nhiều chứng nhân lịch sử không còn nữa. Vậy mà những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Thư gửi các cháu và các cán bộ các trường miền Nam" ngày 1-6-1955 như còn văng vẳng: “...không có công tác gì vẻ vang bằng việc chăm nom bồi dưỡng cho các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà”.
Với tầm nhìn chiến lược, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương chuyển hàng chục ngàn đồng bào và con em các gia đình cách mạng đi cùng bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc để đào tạo, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, xây dựng lại khi đất nước thống nhất. Trong đó, đợt tập kết đầu tiên vào tháng 10-1954, Thanh Hóa là một trong những địa phương đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam nhiều nhất.
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn đặc biệt quan tâm tới đồng bào và chiến sĩ, nhất là các cháu học sinh từ miền Nam ra miền Bắc. Thủ tướng từng khẳng định: “Có thể nói, đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng và Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó, nay đã mang lại kết quả to lớn cho đất nước”.
Thực tế cách mạng đúng là như vậy. Nhiều anh chị em cán bộ tập kết và học sinh miền Nam đã trở thành nhà khoa học xuất sắc, nghệ sĩ tài năng, các tướng lĩnh kiên cường anh dũng, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp. Trên chuyến tàu tập kết lịch sử có rất nhiều người con miền Nam ngày đó còn thơ ấu, còn trong trứng nước, sau này mới được cha mẹ sinh ra nhưng trong suốt cuộc đời mình, họ đều biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, nhất là nhân dân miền Bắc. Ai cũng hiểu một điều trong nghĩa lớn thì mỗi tấm lòng biết tri ân chính là sự trưởng thành, niềm tự hào chung. Và những người con đã trưởng thành ấy cũng đã góp vào niềm tự hào lớn cho sự nghiệp cách mạng. Đó là nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được; nguyên Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân... Chuyến tàu tập kết chính là nơi trưởng thành và cống hiến của nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi. Đó là nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, NSND Đàm Liên, NSND Đinh Xuân La, NSND Lâm Tới, NSND Trà Giang, NSND Tường Vi... Các văn nghệ sĩ-chiến sĩ từ chuyến tàu tập kết trưởng thành chính là góp phần hình thành nên biểu tượng của Bài ca chiến thắng.
Dấu mốc 70 năm con tàu tập kết-một trong những biểu tượng Bài ca chiến thắng đã hiện lên sừng sững nơi cửa biển Sầm Sơn-Thanh Hóa. Sự kiện lịch sử đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết ra cửa biển Sầm Sơn chính là một dấu mốc lịch sử lớn trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử. Từ dấu mốc đó, Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương cùng với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức xây dựng tượng đài tập kết năm 1954 với hình dáng một con tàu và bảo tàng tập kết trong lòng con tàu đặt tại TP Sầm Sơn-nơi cập bến các chuyến tàu tập kết vào năm 1954.
Cụm công trình tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc" năm 1954 thể hiện tinh thần cao nhất, dấu ấn sắc son, ruột thịt Bắc-Nam sum họp một nhà. Công trình cũng là sự đơm hoa kết trái, biểu thị tấm lòng tri ân của thế hệ sau với thế hệ trước, của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong sự phát huy và phát triển bền vững, khơi dậy ngọn nguồn văn hóa lịch sử với công cuộc đổi mới hôm nay. Con tàu tập kết-biểu tượng về Bài ca chiến thắng là một biểu tượng đẹp, một biểu tượng về văn hóa lịch sử, một biểu tượng về hòa bình của hai miền Nam-Bắc và của dân tộc Việt Nam.
Ghi chép của PHÙNG VĂN KHAI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.