Xã Bằng Phúc là một trong những xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Không chỉ nổi tiếng với đặc sản trà San Tuyết, rượu Bằng Phúc và các địa danh du lịch như suối Khuổi Pia, suối Tà Làng... nơi đây còn là một vùng cư dân hội tụ nhiều dân tộc như Tày, Kinh, Mông, Dao, Nùng, Hoa. Người Tày là một trong những dân tộc đông và còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có trang phục.

Người Tày có lịch sử định cư lâu đời tại vùng núi này. Tổ tiên của họ có khả năng thích ứng cao độ với tự nhiên, đồng thời cũng rất linh hoạt, sáng tạo trong việc tương tác với thiên nhiên. Minh chứng cụ thể cho nhận định này nằm ở chính những nét văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ gia đình bà con dân tộc Tày ở Bằng Phúc.

      Phụ nữ dân tộc Tày xã Bằng Phúc trong trang phục truyền thống.              

Ngoài chăm chỉ làm lụng, tạo ra sinh kế từ tài nguyên thiên nhiên sẵn có của rừng, người Tày đã khéo léo khẳng định sự khác biệt trong phục trang bằng sự đơn giản, chắc chắn, mang tính ứng dụng cao. Tấm áo chàm được nhuộm từ cây rừng (cây chàm), tấm vải được dệt trên khung dệt cũ, sau đó được nhuộm chàm, trở thành một sản phẩm cụ thể ứng dụng thiết thực vào đời sống vì được sử dụng hằng ngày, bà con mặc khi làm đồng, lên rừng, cho đến khi vai áo sờn, có khi tấm áo gắn với cả một đời người. Một độ “của bền tại người” đáng nể, và điều này cũng chứng tỏ dưới bàn tay khéo léo của người Tày, bộ trang phục đơn giản trở nên hữu ích.

Bên cạnh sử dụng tấm áo chàm truyền thống, thông qua sự giao lưu và tiếp biến với các dân tộc khác, người Tày còn sáng tạo, cách điệu dựa trên hình ảnh chiếc áo tứ thân và chiếc khăn mỏ quạ của người đồng bằng. Sự chuyển tiếp văn hóa tạo ra tính nguyên gốc cho chính dân tộc mình là nét đặc sắc của người Tày ở Bằng Phúc nói riêng và ở Bắc Kạn nói chung.

Cụ thể, bộ trang phục mà cô giáo người Tày Triệu Thị Miền, giáo viên Trường Tiểu học Bằng Phúc mặc toát lên vẻ dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ dân tộc Tày ở Bằng Phúc. Hay như bộ trang phục mà “pả mè” (bà dẫn dâu trong đám cưới người Tày) mặc trong các đám cưới truyền thống đã khẳng định tính đặc trưng văn hóa sống động của phục trang người Tày trong đời sống.

Màu chàm, màu của cây chàm, màu của trang phục người Tày Bằng Phúc đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong kỹ năng thích ứng cao độ với tự nhiên của họ. Dường như bộ phục trang của họ nhìn thoáng qua quá đỗi giản đơn so với các dân tộc khác. Nhưng trong chính sự giản đơn ấy lại chứa đựng một triết lý nhân sinh quan khảng khái của người Tày Bằng Phúc: “Rừng cho con người tất cả, từ đời ông bà bố mẹ tôi đã truyền lại cho chúng tôi như thế nên mặc áo chàm của người Tày trong các dịp Tết, đám cưới đã trở thành một phong tục. Và chỉ đến khi chúng tôi cũng thành ông, thành bà, chúng tôi mới hiểu được thói quen mà xưa kia bố mẹ mình dạy mình, mặc áo chàm là để biết ơn rừng, biết ơn tổ tiên đã sinh thành...”, bà Triệu Thị Luyến, trong vai trò “pả mè” đã chia sẻ với chúng tôi như thế.

“Cố gắng giữ tấm áo chàm cho đời con đời cháu mình” là điều mà bà Luyến vừa cười vừa nói trong khoảng không gian một chiều sẩm tối ngay trên quê hương Bằng Phúc. Màn sương xuống sớm bao phủ cả vùng lòng chảo thung lũng. Xa xa, trên con đường mòn đi xuyên cánh đồng vào đến chân nhà sàn, nay tuổi đã ngoài 80, bà Luyến vẫn mặc áo chàm, đầu đội khăn mỏ quạ, chiếc khăn trên đầu bà nhuốm màu chàm bàng bạc. Bà mặc tấm áo chàm cũ giản dị, bước đi an nhiên như một minh chứng với thời gian.

Bài và ảnh: VŨ HỒNG PHƯƠNG