Ngân nga miền quan họ

Cả một vùng Việt Yên vào mùa lễ hội chùa Bổ Đà rực rỡ bóng cờ, tiếng trống, phách rộn ràng đó đây. Lần đầu tiên đến thăm chùa Bổ Đà, chị Nguyễn Thanh Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) đã rất ngạc nhiên khi đi từ gian chùa nọ tới gian chùa kia thành vòng không dứt. Chị Hoàng Thị Vân, thuyết minh viên Ban Quản lý di tích chùa Bổ Đà cho biết: “Chùa có lối kiến trúc khác biệt với những ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc. Đó là lối kiến trúc “nội công ngoại bế” (bên trong thông nhau, bên ngoài tạo thành hàng rào), trời mưa đi quanh chùa không ướt. Ngôi chùa có 18 dãy nhà với gần 100 gian liên hoàn. Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền phái Trúc Lâm, là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Nơi đây mang những nét văn hóa địa phương không nơi nào có như thờ tứ ân (biết ơn trời đất, đất nước, cha mẹ và chúng sinh), thờ tam giáo đồng nguyên (thờ gộp cả đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão), mộc bản trên gỗ thị bằng chữ Hán Nôm viết ngược, tập tục thờ đá... Đặc biệt, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rừng cây cổ thụ quanh chùa tạo thành tấm lá chắn che giấu cán bộ, nội tự là nơi huấn luyện cho du kích trong vùng. Chùa đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016”.

Cùng với thăm ngôi chùa cổ kính, linh thiêng, một trong những hoạt động hấp dẫn nhất của Lễ hội chùa Bổ Đà năm nay là Liên hoan dân ca quan họ huyện Việt Yên năm 2023. Các liền anh, liền chị xúng xính áo tứ thân, khăn the, nón lá... tề tựu làm nên bầu không khí quan họ suốt dọc phía Bắc dòng sông Cầu. Huyện Việt Yên có 18 làng quan họ truyền thống và 22 nghệ nhân quan họ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú (trong đó có 3 Nghệ nhân Nhân dân, 19 Nghệ nhân Ưu tú). Toàn huyện có 50 câu lạc bộ (CLB) quan họ được UBND các xã, thị trấn ra quyết định thành lập và 120 làng quan họ thực hành. Điều đặc biệt của quan họ Việt Yên còn nằm ở một số làng quan họ tiêu biểu như: Làng quan họ Nội Ninh, Hữu Nghi (xã Ninh Sơn), Sen Hồ (thị trấn Nếnh) vẫn duy trì làn quan họ cổ; hay làng quan họ Trung Đồng (xã Vân Trung) hiện còn lưu giữ được các bài quan họ dị bản mà không nơi nào có... Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Hiệp tự tin khẳng định: “Canh hát quan họ của làng Thổ Hà (xã Vân Hà) hiện nay nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc bởi đây là nơi duy trì canh hát đủ 3 chặng gồm giọng lề lối, giọng vặt và giọng giã bạn. Hiện nay, CLB thôn có sự tham gia của 5 thế hệ. Chúng tôi tiếp tục duy trì canh hát đầy đủ nhất này theo lề lối các thế hệ trước làm từ năm 1988 đến bây giờ”.

leftcenterrightdel
 Một tiết mục tại Liên hoan dân ca quan họ huyện Việt Yên năm 2023. 

Xác định bảo tồn giá trị các làng quan họ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần làm nên đời sống văn hóa, tinh thần phong phú cho nhân dân, được UBND huyện Việt Yên coi trọng, ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Cùng với phát triển kinh tế, huyện Việt Yên quan tâm bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Hiện nay, Việt Yên tuyên truyền, giáo dục cho người dân nhận thức, cùng chung tay bảo tồn các giá trị truyền thống trên địa bàn. Ngoài ra, khi xây dựng đô thị Việt Yên, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới chỉ số hạnh phúc của người dân. Trong năm vừa qua, Việt Yên đã triển khai 11 đề án mục tiêu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn”.

Đào tạo thế hệ trẻ

Nổi bật giữa các liền anh, liền chị, Dương Thu Hường, học sinh lớp 8A, Trường THCS Tiên Sơn xúng xính trong bộ áo tứ thân thật xinh xắn. Tuy là thành viên ít tuổi nhất nhưng Hường cũng đã có thâm niên vài năm trong CLB văn hóa thôn Hạ Lát (xã Tiên Sơn) và CLB văn hóa dân gian huyện Việt Yên. Thích quan họ từ bé, dù trong nhà không có ai theo đuổi loại hình nghệ thuật này, Hường thường xuyên lén xem các bà, các cô trong thôn hát rồi tập theo. Thu Hường chia sẻ: “Cháu tham gia CLB để học thêm những bài hát và kỹ thuật hát, kỹ thuật biểu diễn. Hiện nay, cháu đang luyện kỹ thuật nảy và những bài như: “Lên núi Ba Vì”, “Sở cầu như ý”... Ngoài tập luyện vào lúc rảnh rỗi, cháu cũng thích hát cho các bạn cùng lớp, cùng trường nghe để lan tỏa niềm đam mê quan họ tới bạn bè”. 

Ông Thân Văn Thuần, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Việt Yên cho biết: “Thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kể từ năm 2009 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh tổ chức hàng trăm lớp học với hàng nghìn lượt học viên tham gia, tổ chức 22 lần liên hoan hát quan họ cấp huyện và hội thi cấp tỉnh, thu hút hàng chục nghìn nam, nữ diễn viên tham gia thi hát sân khấu và thi hát đối đáp, in ấn hàng nghìn đĩa và tờ rơi, ấn phẩm phục vụ việc truyền dạy, quảng bá. Công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được nhiều cá nhân, tập thể, doanh nghiệp chung tay vào cuộc tích cực và hiệu quả”.  

Trên quê hương quan họ, những học sinh có năng khiếu với giọng hát ngọt lịm như Hường có nhiều cơ hội thể hiện tài năng trong các cuộc thi, các chương trình giao lưu. Ông Nguyễn Đức Ước, Chủ nhiệm CLB văn hóa thôn Hạ Lát thông tin: “Dương Thu Hường là một trong 4 thành viên trẻ tuổi của CLB. Những thành viên trẻ này được tạo điều kiện tham gia với thời khóa biểu phù hợp để không ảnh hưởng tới nhiệm vụ học tập ở trường của các em”.

Bài và ảnh: THU MINH