Một số thiết chế văn hóa từ cấp đại đội đến cấp trung đoàn, đại đoàn, quân khu và toàn quân đã được đặt ra và thực hiện. Nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ sinh động, hấp dẫn, thu hút bộ đội đã được diễn ra thường xuyên.
Nhiều tác phẩm về báo chí, văn học nghệ thuật đã trực tiếp đến với bộ đội, góp phần xây dựng tinh thần, tình cảm, tâm hồn tốt đẹp, phong phú của bộ đội. Văn bản của Tổng cục Chính trị thời kỳ này đã nhấn mạnh: “Lãnh đạo tư tưởng bộ đội hiện nay, nếu chỉ có lên lớp, cấp trên giải thích, họp Đảng, họp chính quyền thì không đủ nữa, mà còn phải biết vận dụng nhiều hình thức hoạt động câu lạc bộ phong phú, linh hoạt, được quần chúng ưa thích”. Đó là một thực tiễn, là bài học về vai trò của văn hóa, “là nhận thức cuộc sống, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức mới cho bộ đội và thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của bộ đội” (Hồ sơ B327.TH.tr1, Tổng cục Chính trị).
 |
Các nhạc sĩ đang biểu diễn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu |
Từ nhận thức và định hướng chiến lược về vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật với đời sống tinh thần của bộ đội và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ đã được tiến hành. Đã có một “binh chủng” đặc biệt, đó là đội ngũ các văn nghệ sĩ tòng quân, vào chiến trường, tham gia chiến đấu và công tác tại các mặt trận và cũng từ đó các tác phẩm viết trực tiếp về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã ra đời, phản ánh sâu sắc và toàn diện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước anh dũng của dân tộc ta.
Càng đặc sắc hơn, các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, các sáng tác thời kỳ này luôn hướng tới miền Nam ruột thịt, những tình cảm tha thiết dành cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam, ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng, những đóng góp mang tính lịch sử của văn hóa, văn học nghệ thuật đối với công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Trong cuộc chiến đấu gian khổ ác liệt, đã sản sinh ra thế hệ văn nghệ sĩ tài năng trên các loại hình văn học nghệ thuật. Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, phóng viên quay phim, diễn viên các đoàn văn công đều có mặt ở chiến trường, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những tác phẩm về văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, những thước phim nóng bỏng đã phải trả bằng xương máu chính là thành quả vô cùng quý giá của đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngay ở Văn nghệ Quân đội, nhiều nhà văn, nhà thơ đã xung phong vào chiến trường, trực tiếp cầm súng và cầm bút, trong đó tiêu biểu nhất là nhà văn - liệt sĩ Nguyễn Thi với nhân vật chị Út Tịch và câu nói nổi tiếng “còn cái lai quần cũng đánh”. Nhà văn Nguyễn Thi hy sinh tại chân cầu Chữ Y trong Tết Mậu Thân 1968. Nhân vật anh hùng đồng thời nhà văn cũng trở thành anh hùng là một điều hết sức đặc biệt chỉ có thể có được ở đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội trong chiến tranh.
Trong hành trình 80 năm văn hóa - văn nghệ Quân đội, khi khái quát về đội ngũ văn nghệ sĩ, dấu ấn tác phẩm thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đoạn khốc liệt nhất cũng như những thời khắc lịch sử hào hùng nhất, tôi đã sáng tác những vần thơ như sau:
Việt Nam trên đường chúng ta đi[1]
Ngày đánh Mỹ vui như trảy hội
Bão đạn, mưa bom trùng trùng lửa xối
Lời thơ vẫn ấm rừng hai ngả Trường Sơn!
Không có sách chúng tôi làm ra sách
Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình[2]
“Mảnh trăng cuối rừng”; “Bài ca bên cánh võng”[3]
Từng trang văn, nét nhạc rưng rưng.
“Sống ở giữa chiến trường
Nghe tiếng bom rất nhỏ”[4]
Anh vẫn cùng em đi hái măng rừng
Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường sâu thẳm yêu thương[5]
Một Út Tịch - còn cái lai quần cũng đánh
Một Nguyễn Thi hy sinh Tết Mậu Thân
Đất nước đứng lên trăng treo đầu ngọn súng
Lê Anh Xuân hiên ngang trong lửa đạn cầu vồng.
Ôi tất cả đều hướng về Tổ quốc!
Tất cả đều vì thống nhất non sông
Như có Bác trong ngày vui đại thắng
Mỗi trái tim con như ngọn lửa cháy hồng.
Sau dấu mốc 1975, tiếp đó là dấu mốc đổi mới 1986, đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội tiếp tục có sự trưởng thành mạnh mẽ với những cống hiến và thành tựu và văn học nghệ thuật rất đáng ghi nhận. Đã hình thành những dòng văn học nghệ thuật chủ lưu là đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng với nhiều tác phẩm sâu sắc, tạo ấn tượng và thẩm mỹ sâu rộng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Đây là một thành quả tất yếu của đường lối văn hóa văn nghệ đúng đắn của Đảng ta, Nhà nước ta. Chỉ tính riêng đội ngũ các nhà văn công tác tại Văn nghệ Quân đội đã có 8 người được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 33 người được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Đó là: Nguyễn Thi với các tác phẩm: Người mẹ cầm súng; Ở xã Trung Nghĩa; Trăng sáng; Đôi bạn. Nguyễn Minh Châu với các tác phẩm: Dấu chân người lính; Cửa sông; Cỏ lau; Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành. Nguyễn Khải với các tác phẩm: Gặp gỡ cuối năm; Xung đột; Cha và con… Hồ Phương với các tác phẩm: Ngàn dâu; Những cánh rừng lá đỏ. Hữu Thỉnh với các tác phẩm: Thương lượng với thời gian; Trường ca biển. Xuân Thiều với tác phẩm: Huế mùa mai đỏ...
Đội ngũ các văn nghệ sĩ, đặc biệt là lớp văn nghệ sĩ trẻ xuất hiện và được khẳng định. Nhiều tác phẩm gây tiếng vang và là những thương phẩm văn học nghệ thuật đặc thù, truyền thống, tiếp tục khẳng định hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới gắn bó máu thịt với nhân dân, là niềm tin, là chỗ dựa của nhân dân. Những thanh âm trong trẻo, hữu ích đến với bộ đội, với nhân dân. Các văn nghệ sĩ quân đội không chỉ có mặt trên mỗi tác phẩm hội họa, âm nhạc, điêu khắc, nhiếp ảnh mà còn có mặt nơi bão lốc, cháy rừng, lũ quét. Các văn nghệ sĩ quân đội đều nhiều lần đến Trường Sa công tác và sáng tác.
Hằng năm, các nhà văn quân đội đến Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ ăn cùng, ở cùng và lắng nghe nhịp đập của trái tim người chiến sĩ. Những tập ghi chép, bút ký, truyện ngắn mang đậm hơi thở người lính là món ăn tinh thần bổ ích của bộ đội ta. Và cũng chính người chiến sĩ đang ngày đêm miệt mài với từng nhiệm vụ được giao nơi biên giới hải đảo đã tiếp thêm sức mạnh, là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn trong và ngoài quân đội.
Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại phát huy cao độ rất nhiều giá trị cốt lõi nhân văn. Một trong những biểu hiện đặc sắc là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Cả thế giới dường như chưa có được hình ảnh nào sâu sắc và gần gũi, nhân văn như thế. Vậy tư duy xây dựng con người mới về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới hiện nay phải như thế nào? Người chiến sĩ hôm nay, Bộ đội Cụ Hồ hôm nay phải luôn xác định sâu sắc rằng “người trước, súng sau”. Đó là nhân tố quyết định mọi vấn đề. Bản chất của con người mới Bộ đội Cụ Hồ chính là con người mang văn hóa Việt Nam, văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Đây cũng là những câu hỏi và định hướng lớn mà đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội phải trả lời bằng tác phẩm và ý thức trách nhiệm của mình trong sáng tác và công tác.
Để có được những thành tựu về văn hóa - văn nghệ Quân đội trong hành trình 80 năm qua, trước hết phải thấy rằng, các văn nghệ sĩ luôn ý thức sâu sắc và bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, đời sống thực tiễn của nhân dân và nhất là các cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ. Đây chính là sự dấn thân quyết liệt, sự đồng hành với người chiến sĩ và nhân dân của văn nghệ sĩ từ buổi đầu kháng chiến.
Bài học được rút ra từ việc văn học nghệ thuật luôn đồng hành và góp phần trong các dấu mốc lịch sử đã có những thành tựu đáng trân trọng chính là để văn nghệ sĩ các thế hệ ý thức được trọng trách và niềm tin của mình, thực hiện và hoàn thành tốt sứ mệnh mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Từ những thành tựu trong hành trình và các dấu mốc của văn hóa - văn nghệ Quân đội trong 80 năm qua càng cho thấy niềm tin và sự đón đợi của người chiến sĩ và nhân dân với đội ngũ văn nghệ sĩ mọi thời kỳ, mọi lứa tuổi, nhất là thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay là hết sức gắn bó, tin tưởng và yêu thương, luôn đón nhận những sáng tác mới, thành tựu mới, dấu mốc mới.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI
[3] Tên các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu và Nguyên Nhung
[5] Ý thơ Nguyễn Đình Thi
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.