Phóng viên (PV): Xin ông cho biết nét đặc trưng của Tết xưa và Tết nay?
PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Tôi cho rằng, trải qua thời gian và cả sự thay đổi, biến động về mặt kinh tế, xã hội…nhưng Tết thì vẫn như xưa. Điều rất quan trọng là những giá trị của Tết xưa thì ngày nay vẫn được giữ, đặc biệt là những nét đặc trưng vốn có.
Chẳng hạn như chúng ta đều biết rằng, vào ngày Tết thì gia đình nào cũng thế thôi, cứ đến 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo thì phải thắp hương, đó là một phong tục đã có từ xa xưa và đến ngày nay vẫn giữ được.
 |
PGS, TS Nguyễn Văn Huy. |
Hoặc là vào đêm giao thừa thì tất cả mọi người trong gia đình đều quây quần trong nhà để đón giao thừa, cùng nhau nâng ly rượu chào năm mới. Không khí ấm cúng, đoàn tụ bên gia đình trong thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới khiến cho ai cũng cảm thấy thiêng liêng, ấm áp.
Tôi nghĩa rằng, Tết xưa và Tết nay giờ khác nhau ở chỗ là trước đây thì gia đình nào cũng nấu một nồi bánh chưng nhưng bây giờ, cuộc sống đã thay đổi, giờ đây không phải gia đình nào cũng có thể nấu bánh chưng ngày Tết nữa. Tuy nhiên, điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến giá trị văn hóa của ngày Tết.
PV: Theo ông, đâu là nét đặc sắc nhất của Tết?
PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Theo tôi, nét đặc sắc nhất của ngày Tết đó là mọi người đều hướng về nguồn cội, về tổ tiên. Trong gia đình, các con dù đâu xa vẫn luôn cố gắng về đón Tết cùng người thân; thắp hương tưởng nhớ đến những người đã khuất. Đó chính là giá trị của văn hóa Tết mà mỗi người trong một gia đình luôn luôn nhớ. Nhớ đến công ơn sinh thành, những người sinh ra mình và sự tưởng nhớ đó là lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn.
Theo tôi đây là một giá trị đạo đức xuyên suốt nhiều thời kỳ của dân tộc ta nhưng thể hiện rất rõ vào trong những ngày Tết. Ngày Tết là ngày xuân và lúc đó là vào mùa, cây cối nảy lộc đâm chồi. Đây cũng là lúc mà con người có sự giao hòa tuyệt vời với thiên nhiên. Dân tộc ta đã tạo ra một nét văn hóa đặc trưng ngày Tết có sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa thiên nhiên và con người.
 |
Lễ dựng cây Nêu ở Hoàng thành Thăng Long. |
PV: Xin ông cho biết những phong tục tiêu biểu về Tết cổ truyền?
PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Phong tục Tết của người Việt có từ xa xưa như xông đất đầu năm, dựng cây Nêu…Tôi nghĩ, cha ông ta đã đã tạo ra một văn hóa Tết, mà đã gọi là văn hóa Tết rồi thì những điều đó mang giá trị tiêu biểu, đặc sắc. Chẳng hạn như ngày ông Công, ông Táo là ngày mà ai cũng nghĩ đó như là sự tổng kết của cả một năm, mọi người cùng nhìn lại những việc đã làm và chưa làm được. Phong tục này đã đi vào trong lòng người dân Việt Nam và vào ngày đó thì gia đình nào cũng chuẩn bị mâm cơm, thắp hương để chuẩn bị cho “chuyến đi về trời” của ông Công ông Táo. Đây là một phong tục giúp cho mỗi người xây dựng nên những giá trị về nền nếp của gia đình.
Tôi nghĩ rằng, vào dịp Tết thì có thể là tùy theo từng vùng, từng miền mà mọi người đi tảo mộ vào dịp trước Tết, hoặc gộp vào Tết thanh minh ngày mùng 3-3 (Âm lịch).
Cho dù đi tảo mộ vào trước Tết hay sau Tết đều thể hiện truyền thống dân tộc, nhớ đến công sinh thành của bố mẹ, ông bà và tổ tiên.
Những phong tục tiêu biểu của ngày Tết Nguyên đán mang nét đặc sắc thể hiện tâm hồn Việt, nhắc nhở thế hệ con cháu luôn hướng về nguồn cội.
 |
Chương trình "Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết" 2022 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
PV: Theo ông, làm thế nào để Tết Việt được duy trì và ngày càng phát huy những giá trị truyền thống?
PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Tết có thể tồn tại và phát triển mãi mãi, tôi không lo các thế hệ trẻ sau này sẽ làm cho Tết mất đi nét truyền thống. Tôi khẳng định rằng, dù xã hội có thay đổi thế nào thì Tết vẫn luôn tồn tại bởi dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa tiêu biểu, với bề dày từ hàng nghìn đời nay. Vì thế, để những phong tục Tết tồn tại mãi trong mỗi người thì phải biết giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại.
Chúng ta không nên lo Tết hiện đại làm mất đi nét truyền thống bởi những giá trị văn hóa của Tết Việt là vĩnh hằng, sẽ truyền từ đời này sang đời khác và được các thế hệ gìn giữ, phát triển.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS, TS Nguyễn Văn Huy!
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)