Núi Thành Nam như bức tường chắn thị trấn huyện Con Cuông với các địa bàn khác. Cách Quốc lộ 7A không xa, trên triền núi có một văn bia cổ gồm 155 chữ Hán, được tạc vào phiến đá cao hơn 2m trên vách núi dựng đứng. Dưới văn bia là một hang đá nhỏ. Văn bia được thực hiện vào mùa đông năm Ất Hợi 1335, ghi lại công trạng của Thượng hoàng Trần Minh Tông đánh đuổi người Ai Lao xâm lấn.
Văn bia có tên gọi “Ma nhai kỷ công bi văn” với nội dung đại ý như sau: Đời vua nhà Trần thứ sáu, nước Ai Lao chống lại triều đình. Cuối năm Ất Hợi, Thượng hoàng (tức Trần Minh Tông) cầm 6 đạo quân đi tuần du phía tây. Các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, Xiêm đã dâng lễ vật thần phục, duy chỉ có tên giặc Bổng (tù trưởng người Ai Lao) là vẫn giữ thói u mê mà chưa đến chầu. Cuối đông, Thượng hoàng đóng ở Cự Đồn, thuộc Mật Châu, lệnh cho tướng và quân sĩ vào tận sào huyệt giặc. Bổng sợ uy mà trốn chạy. Thượng hoàng xuống chiếu và kéo quân về.
 |
Văn bia đã bị mờ chữ. |
Theo những nhà nghiên cứu văn hóa địa phương thì Cự Đồn là một địa danh thuộc huyện Con Cuông. Mật Châu là tên gọi cũ của phía tây nam Nghệ An, đã được nhắc đến trong văn bia. Nhà nghiên cứu văn hóa Thái, ông Quán Vi Miên cho rằng, tên gọi Mật Châu có liên quan đến người Thái, vì trước kia, khi các triều đại phong kiến vẫn chưa kiểm soát một cách chặt chẽ vùng đất thì vẫn là địa hạt của các dân tộc địa phương.
Những cư dân nơi đây kể rằng, suốt thời gian dài, văn bia bị quên lãng. Dưới chân núi là vùng sản xuất của bà con nông dân. Trước kia, bà con thường kể với nhau về những chữ viết kỳ lạ trên vách đá rồi tìm đến ngắm nhìn. Không có nhiều người ở địa bàn miền núi này am tường Hán văn. Để đến được vách đá này, người ta phải phát cây tìm lối đi. Đến khi ngành văn hóa địa phương vào cuộc thì tư liệu quý này mới được biết đến rộng rãi.
Người dân địa phương quen gọi là bia Ma Nhai. Gần đây, di tích cũng trở thành điểm tham quan được đề cập đến trong các ấn phẩm quảng bá du lịch của huyện Con Cuông. Cũng từ khi được ghi danh là di tích cấp quốc gia, chính quyền địa phương đã xây dựng biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu về di tích. Lối dẫn lên văn bia Ma Nhai được xây bậc thang bê tông để du khách tiện đến tham quan. Đường dẫn từ Quốc lộ 7 vào văn bia cũng đã đổ bê tông. Dưới vòm hang, người dân đặt bệ thờ và các bát hương để phục vụ nhu cầu tâm linh của du khách.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong thời gian khá dài, điểm di tích này không được quan tâm đúng mức. Bệ thờ hoang phế vì lâu ngày không được hương khói. Lá cây và rác vương đầy trên lối đi. Trong ngách hang cũng xuất hiện rác thải là “dấu tích" của những cuộc ăn uống nhưng từ lâu không được thu dọn. Trên vách hang một số chỗ bị viết bậy...
Trao đổi với bà Kha Thị Tím, Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông, chúng tôi được biết, chính quyền địa phương đã nắm được tình hình xuống cấp của văn bia và đang có kế hoạch tu sửa, thay thế các bệ thờ cũng như xây dựng, bảo vệ di tích để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.
Bài và ảnh: HỮU VI