Mỗi khi có khách đến nhà chơi, hoặc dịp kỷ niệm lớn của đất nước, NSƯT Thanh Loan lại mở những thước phim bà hóa thân với đầy ắp những câu chuyện, kỷ niệm. Thanh Loan sinh năm 1951 ở Hà Nội, trong gia đình không ai làm nghệ thuật. 15 tuổi đã theo bạn bè đi tuyển làm diễn viên Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội). Sau khi tốt nghiệp, Thanh Loan đầu quân về Đoàn Kịch nói Quân đội (nay là Nhà hát Kịch nói Quân đội). Từ đây, Thanh Loan có cơ duyên vào vai trong các phim: “Người về đồng cói” của đạo diễn, NSND Bạch Diệp và “Bài ca ra trận” của đạo diễn, NSND Trần Đắc; “Phương án ba bông hồng”; “Trời xanh qua kẽ lá”; “Bí mật thành phố cấm”... Ngoài ra, bà cũng đóng nhiều vai chính trong các vở kịch, như: Bé Nga trong vở “Nổi gió”; bác sĩ Nga trong vở “Đôi mắt”; Nhàn trong vở “Chị Nhàn”...

Phim “Biệt động Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân, cho đến nay vẫn luôn được giới nghiên cứu đánh giá là một tuyệt tác của nền điện ảnh nước ta, khắc họa hình tượng những người chiến sĩ biệt động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phim dài 4 tập, phát sóng năm 1986, tái hiện những sự kiện nổi bật, những cuộc đấu trí căng thẳng của các chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch. Trong dàn diễn viên năm đó, ni cô Huyền Trang-nữ chiến sĩ biệt động khoác áo tu hành-là một trong những vai diễn ấn tượng nhất, do diễn viên Thanh Loan thể hiện.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Thanh Loan trong vai ni cô Huyền Trang, phim “Biệt động Sài Gòn”.Ảnh do nhân vật cung cấp 

Nghệ sĩ Thanh Loan kể lại, năm 1984, khi bà đi làm phát thanh viên ở TP Hồ Chí Minh, gặp đoàn phim đang làm “Biệt động Sài Gòn”, phim quay được một năm mà chưa có ai đóng vai ni cô Huyền Trang. Gặp Thanh Loan, đạo diễn Long Vân ngỏ lời mời nghệ sĩ vào vai diễn này. “Khi đọc kịch bản tôi thấy rất hay, có “đất” phát triển cho người diễn viên được thể nghiệm trong vai diễn đó. Tôi nhận lời, rồi về xin phép cơ quan đồng ý để mình tham gia đóng phim. Thời đó, được tham gia đóng phim điện ảnh là niềm vinh dự cho cả cơ quan đoàn thể lẫn cá nhân mình”, nghệ sĩ Thanh Loan nói với giọng xúc động.

Hóa thân vai ni cô Huyền Trang, nghệ sĩ Thanh Loan phải hy sinh mái tóc dài vì ngày đó chưa có đạo cụ để nịt đầu. Rồi phải vào chùa Dược Sư ở một tuần, ăn cơm chay và tập cách tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông, cách đi khất thực... làm sao để giống như một người đi tu thật. Quan trọng nhất là dáng đi khất thực của người tu hành rất khoan thai, mắt nhìn xuống. Nghệ sĩ cũng tập chèo ghe, ngâm mình trong sông nước Nam Bộ... Để hóa thân chân thực vào vai diễn, nghệ sĩ Thanh Loan cho biết đã được tiếp xúc với chính những nguyên mẫu của nhân vật-đó là những chiến sĩ trong biệt động thành năm xưa. Chẳng hạn, cảnh ni cô Huyền Trang bị tra tấn bằng điện, ngay cả đạo diễn ban đầu cũng e ngại người phụ nữ trẻ Hà Nội gốc diễn xuất cảnh này sẽ phải thực hiện nhiều cảnh quay. Nhưng chỉ một lần quay duy nhất, sau quá trình tiếp cận với nhân vật và thâm nhập thực tế, nghe kể và chứng kiến người lính bị tra tấn bằng điện đã giúp nghệ sĩ tích lũy được vốn sống, sự cảm hóa của nhân vật rất kỹ để hóa thân diễn xuất tốt hơn, đã chạm đến trái tim khán giả. 

Đến thời điểm này, “Biệt động Sài Gòn” vẫn được đánh giá là bộ phim cách mạng kinh điển của Việt Nam. Giá trị và sức sống lâu bền của bộ phim đến từ sự công phu, chuyên nghiệp của đạo diễn, quay phim, diễn viên.

Hiện nay, ở tuổi thất thập, NSƯT Thanh Loan với mái tóc đã bạc nhiều, nhưng nét đẹp yêu kiều, thanh lịch vẫn vẹn nguyên, cả nụ cười duyên dáng, nhân hậu. Nữ diễn viên từng làm điện ảnh Việt Nam dậy sóng những năm 1980 cùng với dấu ấn trong “Biệt động Sài Gòn”, sau 37 năm bà cho rằng rất may mắn vì được sống trong lòng khán giả.

HÀ LONG