Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, văn học cách mạng đã sớm bén rễ và nảy nở. Từ rất sớm, Nhà xuất bản QĐND đã định hình một dòng sách chủ đạo, văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng.
Tiểu thuyết “Xổng cũi” của nhà văn Nguyễn Công Hoan xuất bản năm 1947 được xem là một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho dòng văn học có nhiều ưu thế của Nhà xuất bản QĐND. Từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến ký sự, thơ ca đã đi suốt chiều dài của các cuộc kháng chiến, hòa bình lập lại và bước vào công cuộc dựng xây đất nước.
 |
Trại sáng tác do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức tại Tam Đảo, năm 2024.
|
Sau ngày thống nhất đất nước, trại sáng tác văn học được khởi động trở lại nhờ sự quan tâm sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Chính trị. Nhà xuất bản QĐND đã mở cửa đón những người lính, nhà văn bước ra từ khói lửa chiến trường, mang theo mùi thuốc súng, những hồi ức chưa kịp nguội và trái tim còn rực cháy lý tưởng cách mạng. Họ là những người lính cầm bút, trở về không chỉ với chiến công mà còn với khát vọng lưu giữ ký ức thời chiến bằng ngôn từ.
Từ các trại viết, hàng loạt tác phẩm có giá trị đã ra đời. Có thể kể đến như: “Trong cơn gió lốc” của Khuất Quang Thụy, “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh, “Nắng đồng bằng” của Chu Lai... Mỗi tác phẩm không chỉ là một câu chuyện, mà còn là tấm gương phản chiếu cả một thế hệ dấn thân và chiến đấu vì lý tưởng dân tộc.
Nhà văn Chu Lai, một trong những cây bút chủ lực gắn bó lâu năm với các trại sáng tác của Nhà xuất bản QĐND từng chia sẻ: “Trại sáng tác của Nhà xuất bản QĐND luôn có một “vị” rất riêng. Đó là sự nghiêm túc, trao đổi chân thành giữa văn nghệ sĩ”. Có lẽ vì thế mà năm 2016, dù đã ngoài 70 tuổi, ông cùng hai nhà văn lão thành Hà Phạm Phú và Hà Đình Cẩn vẫn tự lái xe từ Hà Nội vào Đà Lạt để dự trại viết chuyên sâu kéo dài hơn 3 tháng. Và tại đây, ông đã hoàn tất bản thảo “Mưa đỏ”, tác phẩm sau này giành nhiều giải thưởng văn học lớn, được chuyển thể thành chèo, sân khấu và đã được Điện ảnh Quân đội đầu tư dựng thành phim chuẩn bị ra mắt người xem trong năm 2025.
 |
Một số cuốn sách ra đời tại các trại sáng tác do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức. |
Trong những năm gần đây, Nhà xuất bản QĐND đều đặn phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội tổ chức từ một đến hai trại viết mỗi năm. Trung bình sau mỗi trại, có từ 15 đến 20 bản thảo cơ bản hoàn chỉnh, có chất lượng nội dung tốt. Tính riêng trong 10 năm trở lại đây, gần 200 bản thảo với hơn 200.000 cuốn sách đã đến tay bạn đọc ra đời từ những trại sáng tác của Nhà xuất bản QĐND tổ chức.
Trại sáng tác văn học đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng của Nhà xuất bản QĐND không chỉ là nơi nhà văn tìm về với cảm hứng, mà còn là nơi văn chương được thử lửa, được kết tinh từ kỷ niệm, máu và nước mắt. Những tác phẩm từ đây bước ra đời sống, góp phần xây nên cây cầu nối giữa lịch sử, hiện tại và tương lai. Hơn thế, đó là nơi hình tượng Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được khắc họa sinh động, giàu chất nhân văn, để không chỉ người lính hôm nay mà cả thế hệ mai sau tiếp tục thấy mình trong từng con chữ, trong từng trang sách về lịch sử hào hùng một thời đã qua nhưng chưa bao giờ cũ.
NGUYÊN ĐỨC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.