Bất cứ trong hoàn cảnh nào, hai công việc này đều được gắn chặt với nhau. Đó cũng là điều tổ tiên ta tâm niệm trong hành động và cũng là điều cần dặn dò lại cho các thế hệ tiếp sau bằng những bài học xương máu dưới dạng truyền thuyết. Huyền thoại Thánh Dóng là một thí dụ điển hình.

Từ một thần thoại về mây dông-mặt trời

Lúc đầu, truyền thuyết Thánh Dóng là một thần thoại về mây dông-mặt trời, sau đó, theo thời gian, dần dần được biến thành câu chuyện truyền kỳ về chống giặc ngoại xâm.

Tìm hiểu về truyền thuyết Thánh Dóng, đã có một công trình đồ sộ “Người anh hùng làng Dóng”, của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Huy Đỉnh. Điều rất có lý là tác giả đã gắn các tên Đùng, Đổng, Dông, Dóng để chỉ sấm sét, mây dông và những cơn mưa mùa hè, nên đã cho rằng Dóng nên viết theo D (Dóng) mà không viết theo Gi (Gióng) như lâu nay người ta vẫn dùng.

Trong các yếu tố văn hóa Lạc Việt, tục thờ thần khổng lồ (ông Đùng), thần đá, thần tre trúc đóng một vai trò rất quan trọng. Trong thần thoại Mường, câu chuyện “Ông Đùng, bà Đà” là một điển hình cho tư duy thờ thần khổng lồ, tượng trưng cho mơ ước về sức mạnh siêu nhiên. Dưới tác động của tục thờ thần khổng lồ, thần đá, thần tre trúc, Thánh Dóng còn mang thêm yếu tố Phù Đổng (Đổng là âm Hán-Việt của từ Đùng, trong ngôn ngữ Việt-Mường cổ). Về nghĩa đen, Phù Đổng là “bỗng chốc trở nên khổng lồ”. Do đó, không cần phải bàn cãi nhiều, Phù Đổng là hiện thân của vị thần khổng lồ trong tâm linh người Việt cổ, được gắn liền với hình tượng thần tre trúc để trở thành Thánh Dóng, Thánh Sóc.

Trong truyền thuyết Thánh Dóng, cây tre đóng một vai trò rất cơ bản: Tre dùng làm vũ khí đánh giặc, sau khi chiếc gậy sắt bị gãy, tre đằng ngà, màu vàng óng, đặc sản của rừng Sóc, được coi như dấu tích của lửa cháy từ chiến trận đánh giặc Ân. Về mặt ngôn ngữ học, Dóng và Sóc đều đã ít nhiều liên quan đến loài cây có đốt, rất gắn bó với đời sống người Việt cổ. Dóng là khúc đoạn dùng riêng cho cây có đốt khi nói “dóng tre, dóng mía”. Còn Sóc trong thành ngữ có câu “đòn sóc hai đầu”, chỉ một loại đòn gánh làm bằng thân tre đực, vót nhọn hai đầu, rất tiện cho việc gánh củi bó, lúa giạ cũng như làm vũ khí.

leftcenterrightdel
Tái hiện ông Dóng đánh trận tại Lễ hội Dóng Phù Đổng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Ảnh: Bảo Như 
Trong khung cảnh liên tục phải chống giặc ngoại xâm suốt mấy ngàn năm kế tiếp, cho nên ngay từ thuở ban đầu dựng nước, Thánh Dóng đã được người đời sau thời sự hóa, lịch sử hóa, gắn liền với sự tích vua Hùng Vương thứ VI chống giặc Ân và nhờ đó đã được dân tộc ta tôn vinh lên thành một trong “tứ bất tử”, đó là Tản Viên, Thánh Dóng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh.

Dựa trên sự phân tích các yếu tố cấu thành truyền thuyết Thánh Dóng, đến đây, chúng ta thấy, trong tín ngưỡng dân gian, lúc đầu Thánh Dóng là một vị thần khổng lồ, có nguồn gốc từ thần đá, thần tre trúc, sau đó được phát triển lên thành người anh hùng dân tộc là do quy luật của điều kiện lịch sử Việt Nam, việc dựng nước phải gắn chặt với việc giữ nước.

Để chứng minh cho quy luật đó, dĩ nhiên tổ tiên ta đã đưa thêm vào truyền thuyết những mô típ chiến trận, được rút ra từ các di tích lịch sử.

Những mô típ chiến trận trong truyền thuyết

Đó là thân hình khổng lồ của Thánh Dóng, con ngựa sắt, vết chân ngựa, cây roi sắt, những bụi tre đằng ngà làm vũ khí, áo giáp sắt, trẻ chăn trâu, thợ săn, thợ rèn, người câu cá, người cầm vồ… theo Thánh Dóng ra trận và không gian chiến địa.

Con ngựa sắt bắt nguồn từ huyền thoại mây dông-mặt trời, vết tích còn lại của nền văn hóa Đông Sơn, tục thờ mặt trời. Nghi thức này được thể hiện thành biểu tượng “ngôi sao mười bốn cánh trên mặt trống đồng” với những cánh chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Đi vào truyền thuyết Thánh Dóng, “mặt trời Đông Sơn” đã chuyển thành biểu tượng ngựa sắt. Trong đó, con ngựa khạc lửa, phi về phía đông (núi Vũ Ninh) giết giặc, rồi từ phía này lại phi về phía tây (núi Sóc Sơn) để bay lên trời, không vận động theo trục bắc-nam (quân xâm lược thường từ phía bắc đánh xuống, người Việt từ phía nam đánh lên, như đã từng diễn ra trong lịch sử), mà theo trục đông-tây tượng trưng cho sự vận động biểu kiến của mặt trời: Ánh sáng, nguồn sống, nguồn gốc tạo nên sức mạnh trần gian: Mưa và nắng. Đó là hai nhân tố hết sức cần thiết cho con người và cho việc cấy trồng cây lúa nước.

Cùng với biểu tượng của “mặt trời”, về góc độ binh đao, con ngựa sắt là một chi tiết “đắt giá” nhất. Nó luôn luôn là biểu tượng của vũ khí dưới thời trung đại ở cặp từ “binh mã”. Nếu trong nền văn hóa nông nghiệp Đông Sơn, con ngựa tượng trưng cho ánh sáng, cho nguồn sống cư dân trồng lúa nước thì trong văn hóa quân sự thời vũ khí lạnh, nó lại tượng trưng cho thời gian, cho tốc độ của việc cơ động trên chiến trường.

Ngoài con ngựa, vũ khí đánh giặc của Thánh Dóng còn là cây roi sắt và sau đó là những bụi tre đằng ngà. Roi sắt chỉ có một chiếc, tre đằng ngà là mấy rừng cây quanh hồ Tây, ven sông Đuống, sông Dâu và sông Cầu. Vũ khí vua ban rồi cũng gãy vì nó chỉ là hữu hạn, chứ tre đằng ngà của tự nhiên, của dân trồng thì còn mãi mãi vì chúng là vô cùng.

Ở Việt Nam thời cổ đại chưa hề có áo giáp sắt. Trong các di chỉ khảo cổ thời Hùng Vương, người ta chỉ mới tìm thấy những hộ tâm phiến bằng đồng. Tuy vậy, áo giáp sắt vẫn xuất hiện trong truyền thuyết, theo tư duy quân sự của người Trung đại. Có thể họ cho rằng, trong trang bị của Thánh Dóng, đã có vũ khí để tiến công: Ngựa chiến dùng cơ động, roi sắt dùng đột kích. Vậy thì nhất thiết phải có áo giáp để phòng ngự, để giữ mình.

Trong truyền thuyết, chúng ta thấy những người mang cần câu, cầm vồ đập đất… theo Thánh Dóng ra trận, là những người lính “không chuyên”. Hiện tượng đó phản ánh lực lượng quần chúng tham gia chiến tranh toàn dân chống ngoại xâm thường xảy ra trong lịch sử dân tộc suốt mấy ngàn năm.

Không gian chiến địa của Thánh Dóng cũng vậy. Nó hoàn toàn “ăn khớp” với chiến trường truyền thống của người Việt chống bọn phong kiến phương Bắc vào buổi đầu của thời Độc lập tự chủ: Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền chống quân Nam Hán, Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt chống quân Tống, Trần Quốc Tuấn chống quân Mông-Nguyên sau đó.

Thánh Dóng là sự kết tinh của mọi khả năng anh hùng trong thực tiễn

Khác hẳn các nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam thời Hùng Vương, Thánh Dóng vừa là một tổng số, vừa là một tổng hợp các lực lượng: Quần chúng, công cụ, sản phẩm, vũ khí và địa thế non sông. Tính cách anh hùng được tích tụ đến mức tối đa ý nghĩa tập thể của nó. Và như vậy, điều tất yếu là nó phải trở thành khổng lồ mới chứa đựng nổi tất cả lý tưởng và thực tiễn của tập thể. Do đó nó phải thu hút thần thoại và truyền thuyết của nhiều vùng, nhiều thời để xâu chuỗi, "nhào nặn" lại cho thành tính cách riêng của nó. Những địa điểm liên quan đến truyền thuyết Thánh Dóng đã vẽ ra một không gian rộng lớn của vùng đất trung châu, từ phía đuôi Tam Đảo (Sóc Sơn) mở xòe ra giữa ba con sông: Sông Cầu, sông Đuống và sông Hồng. Hướng đông-tây, từ Phả Lại đến Phúc Yên; hướng bắc-nam, từ Thị Cầu đến bến Bồ Đề, sang làng Cáo, cạnh Hồ Tây. Một hình tượng vĩ đại như thế, nhất định không thể hình thành ngay trong một thời gian ngắn mà phải hàng ngàn năm.

Bàn về tính cách người anh hùng làng Dóng, cũng như chủ nghĩa yêu nước, chí khí giết giặc xung thiên của người Việt thời dựng nước, có lẽ độc đáo và xuất sắc nhất là đôi câu đối chữ Hán của nhà thơ Cao Bá Quát: “Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn/ Đằng vân do hận cửu thiên đê” (Trừ giặc lên ba, hiềm đã muộn/ Chín tầng vươn tới, vẫn chưa cao).

-----------------                                                                

Tài liệu tham khảo:

1- Cao Huy Đỉnh, Người anh hùng làng Dóng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1969.

2- Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc-Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2000.

DƯƠNG XUÂN ĐỐNG, Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự