Cơ hội giao lưu, thể hiện năng lực của trưởng thôn

Hội thi được phát động từ tháng 8-2022, với sự tham gia, hưởng ứng của 2.000 trưởng thôn ở 18 huyện, thị xã đã tạo nên một sinh hoạt cơ sở rộng khắp trên địa bàn Hà Nội.

Đa tài, sôi nổi, nhiệt huyết, hiểu dân... là những ấn tượng mà các trưởng thôn đã đem đến cho khán giả trong vòng chung khảo hội thi. Qua 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức, thuyết trình, các trưởng thôn đã thể hiện những kỹ năng, tài trí trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Để tham gia những phần thi, các trưởng thôn đã tự tìm hiểu, bổ sung, trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về công tác chuyên môn. Đánh giá cao các thí sinh tham dự hội thi, bà Lý Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội cho rằng: “Là giám khảo từ sơ khảo đến chung khảo của hội thi, tôi nhận thấy sự đầu tư công phu, nghiêm túc của các trưởng thôn về tham dự, từ ý tưởng đến thực hiện. Trong màn chào hỏi, các thí sinh đã giới thiệu bản thân, địa phương với niềm tự hào về bản sắc văn hóa, truyền thống, đặc sản riêng có, những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương... Phần hùng biện, các thí sinh đã thể hiện được trọng tâm những đề tài mà ban giám khảo nêu ra”.

Thí sinh thực hiện phần chào hỏi trong hội thi. 

Các trưởng thôn đến với cuộc thi không chỉ được thể hiện mình mà còn học hỏi nhiều điều từ những đồng nghiệp. Bà Đỗ Thị Chanh, Trưởng thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cho biết: “Tham gia hội thi, chúng tôi được học hỏi để nâng cao năng lực, gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các trưởng thôn trên địa bàn thành phố trong việc triển khai những nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói riêng. Hội thi đã góp phần động viên đội ngũ làm công tác ở cơ sở thêm gắn bó mật thiết với phong trào, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở địa phương”.

Phát huy vai trò trưởng thôn trong xây dựng đời sống văn hóa

Các thí sinh không chỉ thể hiện tài năng trên sân khấu mà ngoài đời đều là những cán bộ tâm huyết, nhiệt tình, có nhiều thành tích trong công tác. Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng thôn Thủ Trung, xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây) ngoài vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới, ông còn cùng cấp ủy, chi bộ thôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đưa những giống mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Bà Đỗ Thị Chanh đã đóng góp công sức để thôn Thuận Tốn đạt danh hiệu Thôn văn hóa nhiều năm liên tục. Riêng năm 2021, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn Thuận Tốn đạt 96%, tổ chức hòa giải 21/21 vụ thành công, không có đơn thư vượt cấp... Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn Sài Khê, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) thường xuyên vận động người dân thực hiện xây dựng nông thôn mới với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Nhìn nhận về vai trò của trưởng thôn, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội khẳng định: “Trưởng thôn là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền, là nơi phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị ở cơ sở, đồng thời là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Trưởng thôn là người trực tiếp nhận, truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ và xây dựng phong trào, nếp sống văn hóa ở cơ sở”.

Trung tâm Văn hóa huyện Đông Anh hôm diễn ra vòng chung kết đông nghịt người dân đến cổ vũ cho các trưởng thôn. Sau các phần thi là những tràng pháo tay và tiếng tán thưởng không ngớt. Ban giám khảo cho biết khá áp lực khi chấm thi vì các thí sinh đều thể hiện thành công và là những điển hình của địa phương. Bà Lý Thị Thúy Hạnh đánh giá: “Hội thi thể hiện sự vào cuộc của cả người quản lý địa phương, cơ quan văn hóa, các thí sinh dự thi và sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Điều này chứng tỏ sức lan tỏa của cuộc thi đã tác động đến những người trực tiếp làm phong trào”.

Tham gia cả 3 lần Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” với vai trò giám khảo, ông Hoàng Quốc Việt, Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận định: “Tôi nhận thấy thí sinh tham gia các cuộc thi đều rất nhiệt tình, trách nhiệm. Trưởng thôn không chỉ là các bác lớn tuổi mà có cả những thí sinh tuổi đời còn trẻ. Hội thi là có sự lan tỏa rộng giúp các trưởng thôn nâng cao nhận thức cũng như thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Điều đó tạo ra sự kết nối, chia sẻ và phát huy vai trò của cộng đồng gắn với công việc của trưởng thôn”.

Vòng chung kết hội thi có 5 thí sinh tham dự. Bà Nguyễn Thu Hà (Trưởng thôn Mít, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) giành giải nhất. 2 giải nhì thuộc về bà Đỗ Thị Chanh (Trưởng thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) và ông Nguyễn Văn Dũng (Trưởng thôn Sài Khê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai); 2 giải ba thuộc về ông Nguyễn Văn Công (Trưởng thôn Thủ Trung, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) và ông Nguyễn Văn Thi (Trưởng thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín).  

 

Bài và ảnh: TÂM BÌNH