Triển lãm trưng bày hơn 300 tư liệu, hiện vật với 6 phần chính, với nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh trong hệ thống trưng bày thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội đối với công tác kỹ thuật phòng không-không quân; công tác kỹ thuật trước năm 1963 đến giai đoạn hiện nay và những phần thưởng cao quý mà ngành kỹ thuật quân chủng đã đạt được.
 |
Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân phát biểu khai mạc triển lãm. |
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị tiền thân của lực lượng không quân, pháo cao xạ được thành lập, các đơn vị bảo đảm kỹ thuật cũng từ đó được hình thành, làm nhiệm vụ tiếp nhận, khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng trong chiến đấu.
Ngày 25-9-1966, đến thăm Xưởng sửa chữa máy bay vận tải A33, Quân chủng Phòng không-Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “… Các chú làm công tác khoa học kỹ thuật phải cố gắng học văn hóa, phải thực sự đoàn kết nhất trí trong đơn vị, phải nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật thì sửa chữa máy bay mới tốt, tránh được sai sót phục vụ chiến đấu thắng lợi”. Quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành kỹ thuật phòng không-không quân đã đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí sáng tạo, vượt qua khó khăn thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 |
Cắt băng khai mạc triển lãm. |
 |
Các đại biểu tham quan triển lãm. |
 |
Các chiến sĩ ấn tượng với những hình ảnh, hiện vật tại triển lãm. |
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ làm công tác kỹ thuật luôn bám sát đơn vị và chiến trường, bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng phòng không ba thứ quân trong thế trận chiến tranh nhân dân đối không; từ bảo đảm hệ số kỹ thuật, hệ số chiến đấu cao nhất cho quân chủng, đến nghiên cứu chống chiến tranh điện tử, quyết tâm “Vạch nhiễu tìm thù”, nghiên cứu đánh máy bay B-52, đưa radar K8-60 vào trung tâm đài điều khiển tên lửa, lắp hệ thống cẩu cho máy bay Mi-6… góp phần cùng với các lực lượng đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc mà đỉnh cao là Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Trong những năm qua, Quân chủng Phòng không-Không quân được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, được đầu tư nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật mới, công nghệ cao, ngành kỹ thuật đã chủ động nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hiệu suất chiến đấu các loại vũ khí trang bị hiện có; tiếp nhận, huấn luyện chuyển loại, khai thác sử dụng làm chủ các loại vũ khí trang bị thế hệ mới; bảo đảm kỹ thuật cho bộ đội Phòng không-Không quân thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, thực hành huấn luyện, diễn tập và nhiều nhiệm vụ đột xuất, cơ động chiến đấu trong mọi địa hình, thời tiết; góp phần quan trọng để củng cố và nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân chủng trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Triển lãm mở cửa đến ngày 2-9-2022.
Tin, ảnh: SƠN BÌNH