Vượt qua hàng dài xe hơi nối đuôi nhau chờ xuống cầu phao trên Quốc lộ 32C, đoạn thuộc xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), chúng tôi men theo con đê sông Hồng để đến với công trường xây dựng cầu Phong Châu-nơi các đơn vị của Binh đoàn 12 đang ngày đêm bám trụ thi công.
Dưới chân đê, một đại công trường trải dài dọc sông hiện ra sống động. Hiện tại, các trụ cầu gần bờ đã được thi công xong và lao dầm chờ các bước tiếp theo. Trên nền mặt đất thoải dần xuống phía mép nước, tiếng máy húc chạy đều đều, hỗ trợ công nhân ở phía dưới bố trí cốt thép, dựng lắp và liên kết ván khuôn để đúc dầm dự ứng lực. Tại thời điểm này, do vật liệu thi công đổ xuống hai bên mép nước, mặt sông Hồng chế ngự nên lưu tốc dòng chảy không còn vẻ hung dữ như trước nữa.
 |
Công nhân Binh đoàn 12 thi công các hạng mục tại cầu Phong Châu. Ảnh: HÀ AN
|
Thượng tá Nhâm Mạnh Đôn, Chi ủy viên, Phó giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 9 có kinh nghiệm mấy chục năm làm cầu, đường ở khắp mọi miền đất nước tâm sự với chúng tôi rằng, những âm thanh trên công trường diễn ra mấy tháng qua giống như một “bản giao hưởng” với những giai điệu đặc biệt vang lên từ lòng sông Hồng khiến anh thao thức. Có thời điểm âm thanh ấy trầm xuống, nhưng có lúc lại vút cao, có lúc ào ào cuồn cuộn, lúc chỉ còn là tiếng rền nén của máy móc hòa cùng tiếng sóng nước.
Tối ấy, khi đã cơm nước xong, anh Đôn tâm sự kỹ hơn về bản giao hưởng đặc biệt ấy. Theo đó, cao trào của “bản giao hưởng” là khi những trụ cầu cũ được cắt phá, dỡ bỏ; khi những cọc cừ larsen bằng thép được các cỗ máy công suất lớn đóng sâu xuống lòng sông để dựng vách cofferdam chắn nước; khi máy khoan xoay, máy ép thủy lực thi nhau đưa cọc bê tông vào lòng đất. Mỗi nhịp khoan, mỗi cú ép là một nốt nhạc mạnh mẽ-những nốt nhạc mở lối cho tương lai.
Đêm, đại công trường không ngủ. Những ngọn đèn cao áp tỏa sáng rực một vùng sông nước. Trong ánh sáng ấy, hình ảnh những cầu tháp cẩu vươn cánh tay thép bốc xếp vật liệu lên cao như những chiến binh thép thầm lặng góp phần viết nên câu chuyện mới trên dòng sông huyết mạch của vùng trung du Bắc Bộ. Trong ánh điện công trường rực sáng, công nhân cần mẫn làm việc.
Có những ngày công trường như lên đồng. Nhất là vào giai đoạn thi công đổ đài móng-nơi quyết định sức bền của cả cây cầu. Trong lòng hố móng đã được cofferdam vây chắn, những giằng sắt ken dày, lớp lớp thanh cốt thép đan vào nhau như mạng nhện, như huyết mạch. Từng xe bê tông trộn sẵn nối đuôi nhau từ trạm trộn phía thượng lưu sông đổ xuống hố móng qua những ống dẫn dài hun hút.
Đó là lúc “bản giao hưởng” công trường đạt cao trào. Máy rung, máy bơm, máy trộn-tiếng nào cũng gắt gỏng, hối hả. Trên đài cọc, hàng chục công nhân như những nốt nhạc chuyển động. Người điều tiết ống đổ bê tông, người chỉnh đầu thép, người kiểm tra độ rung... Tất cả không ai ra lệnh cho ai.
 |
Đại tá Nguyễn Thế Lực, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 nghe đơn vị báo cáo tiến độ thi công cầu Phong Châu. |
Tính đến nay, sau gần 5 tháng “vắt chân lên cổ”, chạy đua từng giờ với tiến độ, những kỹ sư, công nhân của Binh đoàn 12 đã bước vào một giai đoạn mang tính bản lề: Thi công khối K0 ở trụ T4 và T5.
Sau khi vượt qua chiếc thang đặt nghiêng 45 độ bằng cọc larsen giống như một chiếc máng nước có tích hợp những thanh sắt đường kính 12mm, tôi lên được nơi đang thi công khối K0 ở trụ T4 gần giữa lòng sông. Từ khối K0 đang thi công dở dang nhìn xuống mặt nước ước chừng gần 100m. Ở đấy, dòng nước sông Hồng mùa lũ vốn hung dữ nay lại lững lờ trôi hiền hòa. Hướng mắt về phía hạ lưu, cầu phao do Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh lắp đặt vắt ngang dòng sông vẫn bền bỉ cõng người và phương tiện qua sông không ngừng.
Lúc này, chúng tôi cảm thấy choáng ngợp vì bị vây quanh bức tường sắt thép dày đặc và những tấm cốt pha thép nặng nề. Cốt thép dọc vươn tua tủa lên trời xanh như những mũi giáo. Người lao động của Binh đoàn 12 chia làm nhiều tốp lặng lẽ làm việc. Tốp thì leo lên cao như người nhện, phối hợp bố trí cốt thép vách dầm để kịp ghép cốt pha thép. Ở một không gian nhỏ hẹp khác, công nhân đứng phía ngoài mang dây bảo vệ an toàn lao những cây thép xoắn đường kính 16mm vào giàn cốt thép dọc dày đặc đã bố trí trước đó. Khi thép lao hết tầm, các công nhân dùng dây thép một ly để cố định theo hình hoa mai. Công việc của họ lặp đi lặp lại dưới ánh nắng mặt trời chói chang và oi nóng. Mồ hôi của họ ướt đầm áo.
Anh Nguyễn Xuân Luyện, kỹ sư thi công cầu lâu năm của Binh đoàn nói với tôi rằng: “Khi khối bê tông K0 được hoàn thành thì cũng là lúc máy thi công dầm đúc hẫng được triển khai. Dầm đúc hẫng sẽ như đôi cánh vươn ra giữa không trung rồi hợp long với các trụ khác để làm nên bộ xương vững chãi của cầu”.
Đứng trên khối K0 dày đặc thép, Đại tá Trần Ngọc Tuấn, Bí thư chi bộ, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 9, Chỉ huy trưởng công trình hứa với thủ trưởng của mình là Đại tá Nguyễn Thế Lực, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 rằng: “Chúng tôi quyết tâm hoàn thành hạng mục này trước ngày 19-5, vượt gần hai tháng so với tiến độ chủ đầu tư đề ra vào mồng 7-7”. Lời anh nói nhẹ như không, nhưng đằng sau là cả một chiến dịch không tiếng súng với những ca làm việc trắng đêm, những bước chân vội vã và từng mẻ bê tông đổ xuống không sai một phút.
Với dân làm cầu chuyên nghiệp, thi công khối K0 không đơn thuần là đổ một khối bê tông đầu tiên. Đó là thách thức cao nhất về kỹ thuật-nơi mọi sai số dù nhỏ nhất cũng có thể làm lệch cả cánh tay đúc hẫng kéo dài hàng trăm mét sau này. K0 nằm trên đỉnh trụ cầu, là nơi bắt đầu của phương pháp đúc hẫng cân bằng. Từ đây, từng khối dầm sẽ được đúc đối xứng sang hai bên, như hai cánh tay vươn ra nối nhịp đôi bờ.
Các kỹ sư xây dựng cầu kỳ cựu vẫn ví khối K0 như viên đá góc tường, hay đúng hơn-viên gạch nền móng của “cánh tay không trung”. Nó không nằm dưới lòng đất như móng cọc, cũng không phải là dầm chính hợp long, nhưng chính nó mới là điểm khởi đầu âm thầm và quyết định. Từ một khối nhỏ, cả cây cầu sẽ mọc lên. Từ một điểm tì, cả vòm bê tông sẽ bay qua sông.
Và tới đây, trong gió sông Hồng, trong từng giờ, khối K0 đang hình thành từng centimet, tạo điều kiện cho hạng mục khó khăn tiếp theo. Nhìn các công nhân làm việc, tôi cảm tưởng họ như những nghệ sĩ đang lên khuông cho nốt nhạc đầu tiên trong một bản concerto khổng lồ mang tên “Phong Châu”.
 |
Đại tá Nguyễn Thế Lực, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 tặng quà cán bộ, công nhân thi công tại cầu Phong Châu. |
Với những ai từng làm xây dựng, từng thi công công trình thì có lẽ đều rất sợ mưa, sợ nước. Đối với những người làm cầu đường, nước được xem là kẻ thù số một. Theo Thượng tá Nhâm Mạnh Đôn, việc xây dựng cầu bị chi phối mạnh bởi khí hậu, thời tiết và thủy văn. Sắp vào mùa mưa, song song với hoàn thành các hạng mục chính thì Ban điều hành cố gắng đẩy nhanh tiến độ các hạng mục khác như đường dẫn và kè. Anh nói: “Cầu không chỉ là vật thể mà là kết nối mọi người, là một phần của đất nước. Vì vậy, công việc của chúng tôi không chỉ là xây dựng mà là góp phần tạo dựng tương lai”.
Lạc quan, luôn nhìn về phía trước để có động lực bước đi, để làm việc hiệu quả là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, đôi khi "ông trời" đưa đến những cơn mưa bất chợt sẽ làm gián đoạn công việc, khiến tiến độ thi công chậm lại. Tôi hình dung, những ngày mưa, công trường không có tiếng máy ầm vang. Vào ban đêm, công nhân không làm việc, chỉ còn những ngọn đèn bảo vệ hắt ánh sáng nhỏ nhoi trong mênh mông bóng tối thì “bản giao hưởng” ở cầu Phong Châu thật tẻ nhạt.
Tam biệt cầu Phong Châu, chúng tôi thấm thía lời của Đại tá Nguyễn Thế Lực khi trò chuyện với cán bộ thi công trên công trường. Anh nói: “Trong chiến tranh, cả nước vào Trường Sơn và vì Trường Sơn. Còn trong hòa bình, Trường Sơn phải vì cả nước. Nơi nào khó, có Bộ đội Trường Sơn. Một công trình, một con đường, một sân bay hay một bến cảng mà Trường Sơn thi công và hoàn thành đều mang trong đó niềm tự hào và tinh thần cống hiến, hy sinh. Thế nên, dù khó khăn cũng phải khắc phục bằng được để lời hứa với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền, nhân dân các địa phương trở thành một giá trị văn hóa quý hơn vàng”.
Bài và ảnh: THÀNH AN - DUYÊN HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi vững bước dưới cờ Đảng xem các tin, bài liên quan.