Ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL phát biểu. 

Hội nghị nhằm quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 30; tập trung tổ chức triển khai các nội dung được giao tại Chỉ thị 30 một cách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả; xác định rõ các hoạt động, nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay và các nhiệm vụ dài hạn; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đối với các ngành có tiềm năng lợi thế cạnh tranh, phát triển trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, hội nghị triển khai Chỉ thị 30 được tổ chức ở thời điểm rất quan trọng khi Đảng, Nhà nước đang chuẩn bị các tài liệu, văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ VH,TT&DL cùng trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là các địa phương được xác định là trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa. Chỉ thị 30 là một bước để nâng cao nhận thức của xã hội về công nghiệp văn hóa; khuyến khích doanh nghiệp và xã hội làm công nghiệp văn hóa; thay đổi cách làm của ngành văn hóa, thể thao, du lịch chuyển từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hóa.

 Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, từ năm 2015 trở lại đây, thành phố đã luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hóa.

Các đại biểu dự hội nghị cũng đã bàn về các giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập, nhất là trong cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, thu hút nguồn lực hợp tác công tư; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số… Đồng thời, đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu hướng phát triển mới hiện nay của đất nước.

Tin, ảnh: KIM NGÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.